Tình trạng sa thải nhân viên đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghệ Mỹ, ngoại trừ Apple. Cho đến nay, công ty lớn nhất thế giới vẫn đứng ngoài xu hướng cắt giảm việc làm đang diễn ra tràn lan ở các Big Tech (các tập đoàn công nghệ lớn) như Microsoft, Google, Meta và Amazon.

Tất nhiên, không công ty nào chắc chắn tránh được việc phải giảm nhân sự trong môi trường kinh tế đầy biến động hiện tại. Apple cũng đang đối diện các thách thức kinh doanh. Dự kiến tháng tới, hãng sẽ báo cáo mức giảm doanh số hàng quý đầu tiên trong hơn ba năm. Apple cũng ít tuyển dụng lại ở một số mảng.

Nhưng nhìn chung nhà sản xuất iPhone vẫn có vị thế tốt hơn nhiều so với các đối thủ, một phần vì họ bổ sung nhân viên ít hơn so với các Big Tech khác trong thời kỳ đại dịch. Ngoài ra, theo các nhà đầu tư, Apple có xu hướng hoạt động tinh gọn, đãi ngộ dành cho nhân viên giới hạn. Về cơ cấu, doanh thu của họ vẫn tập trung vào các sản phẩm phần cứng, với doanh số cho đến nay phần lớn còn tránh được suy thoái kinh tế.

gyew5mjrzbicpf3iwntgcgfm2a-jpe-8466-1653-1674473622.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G2HEu1lXDpt9fnqWB0_MaA

Nhân viên vỗ tay đón khách đến khai trương cửa hàng Apple Carnegie Library ở Washington, Mỹ ngày 9/5/2019. Ảnh: Reuters

Tháng 9/2019 đến tháng 9/2022, lực lượng lao động Apple tăng 20%, lên khoảng 164.000 nhân viên toàn thời gian. Trong đó, 65.000 nhân viên bán lẻ làm việc tại hơn 500 cửa hàng, chiếm khoảng 40%. Trong khi, cùng giai đoạn này, số nhân viên Amazon tăng gấp đôi, Microsoft tăng 53%, Alphabet - công ty mẹ Google - tăng 57% và Meta - chủ sở hữu Facebook - tăng 94%.

Tuần trước, Alphabet thông báo sa thải trên diện rộng, với kế hoạch cắt giảm khoảng 12.000 việc làm. Đây là đợt cắt giảm việc làm lớn nhất lịch sử công ty. Microsoft cũng cho hay sa thải 10.000 nhân sự, là đợt cắt giảm lớn nhất trong vòng 8 năm nay để đối phó với giai đoạn khó khăn sắp tới.

Việc cắt giảm của Alphabet và Microsoft diễn ra sau làn sóng sa thải tại Amazon và Meta. Ngành công nghệ Mỹ đã chứng kiến hơn 200.000 nhân sự bị sa thải kể từ đầu năm 2022, theo Layoffs, một trang web theo dõi các đợt cắt giảm lao động trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, đợt sa thải lớn gần đây nhất tại Apple xảy ra vào năm 1997, khi nhà đồng sáng lập Steve Jobs trở lại công ty. Thời điểm ấy, công ty cắt giảm chi phí bằng cách sa thải 4.100 nhân viên.

Cho đến nay, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Apple đã cho thấy khả năng phục hồi trước những đợt suy thoái rộng lớn hơn trên thị trường. Ngược lại, bốn Big Tech khác đã phải thất thu nhiều trong bối cảnh quảng cáo kỹ thuật số, thương mại điện tử và mảng máy tính bàn (PC) chậm lại.

Quý III/2022, Apple báo cáo rằng doanh số bán hàng tại mảng kinh doanh quan trọng nhất của họ - iPhone - tăng 9,7% so với cùng kỳ 2021, lên 42,6 tỷ USD, vượt qua ước tính của các nhà phân tích.

Apple có thể phải đối mặt với quý IV/2022 khó khăn hơn, dự kiến sẽ báo cáo kết quả ngày 2 /2, do những thách thức về sản xuất ở Trung Quốc. Dù vậy, nhiều nhà phân tích dự đoán nhu cầu đối với iPhone sẽ không giảm. Khi Apple tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trở lại, nhu cầu được dự đoán sẽ khởi sắc vào quý I/2023.

Tất nhiên, Apple không hoàn toàn miễn nhiễm với tình trạng suy thoái chung. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ của họ tiếp tục chậm lại, chỉ tăng 5% lên mức 19,2 tỷ USD vào quý III/2022, thấp hơn so với các quý trước đó.

Tom Forte, nhà phân tích nghiên cứu cao cấp tại ngân hàng đầu tư D.A. Davidson & Co, dự báo Apple sẽ giảm số lượng nhân viên. Tuy nhiên, hãng có thể làm điều đó một cách lặng lẽ thông qua việc không tuyển mới người thay thế cho nhân viên nghỉ việc.

Apple cũng có thể đi theo hướng cắt giảm hoặc điều chỉnh các đãi ngộ phổ biến dành cho lao động ở Thung lũng Silicon để tiết kiệm chi phí. Từ trước đến nay, Apple vốn đã không cung cấp bữa trưa miễn phí cho nhân viên trong trụ sở, khác với các công ty công nghệ lớn như Google và Meta.

Ngoài ra, Daniel Morgan, chuyên gia đầu tư cấp cao tại Synovus Trust, cho biết một số Big Tech khác cắt giảm việc làm vì đã chi rất nhiều tiền cho các dự án mà khó có thể sớm mang lại doanh thu mạnh mẽ. "Cả Meta và Google đều gặp vấn đề này rất lớn", ông nói.

Cụ thể, Meta đã rót hàng tỷ USD vào Reality Labs cho những tham vọng mới về vũ trụ ảo (metaverse). Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg bênh vực cho chi tiêu này, với niềm tin rằng nó sẽ trở thành một nền tảng công nghệ quan trọng.

Về phía Alphabet, sau khi tuyên bố sa thải, CEO Sundar Pichai cho biết công ty đã chứng kiến những giai đoạn tăng trưởng ấn tượng trong hai năm qua. "Để phù hợp và thúc đẩy sự tăng trưởng đó, chúng ta đã tuyển dụng cho một điều kiện kinh tế khác với thực tế mà đang đối diện ngày nay", ông nhận định.

Apple cũng đang nghiên cứu các dự án rủi ro trong tương lai, chẳng hạn như tai nghe thực tế tăng cường sẽ ra mắt vào cuối năm nay, hay như tham vọng lấn sân sang ngành ôtô. Tuy nhiên, các dự án của họ tiến hành với tốc độ thân trọng hơn.

Phiên An (theo WSJ)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022