Ngày 17/1 tại Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ, CEO JP Morgan Jamie Dimon cho rằng nhà băng mình sẽ ổn với việc Biden hay Trump đắc cử. "Công ty tôi sẽ tồn tại và phát triển nhờ cả hai", ông nói.

Nhưng điều gây chú ý là nhân vật có tầm ảnh hưởng tại Phố Wall này dịu giọng hơn khi nhận xét riêng về Trump. "Thành thật mà nói, ông ấy đã đúng về NATO, khá đúng về nhập cư, phát triển nền kinh tế khá tốt, cải cách thuế thương mại hiệu quả. Ông ấy đúng về một số vấn đề ở Trung Quốc", Dimon nói.

Theo Le Monde, bình luận của Jamie Dimon như cú hích cho xu hướng ngày càng nhiều CEO lớn ở Mỹ đổi thái độ trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng vào tháng 11 tới của Trump. Giữa Biden, người theo đuổi nhiều chính sách cánh tả nhất trong nửa thế kỷ, và Trump, thì họ "ít ghét" Trump hơn.

"Dimon là hiện thân của một cộng đồng doanh nghiệp bay đến giải cứu Trump bất chấp cảm xúc lẫn lộn của họ về ứng cử viên", tờ báo Pháp bình luận.

AFP-20240609-34W62WZ-v3-HighRe-5327-9361-1719510074.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Wmu8UQF7CF_SACPhE7PfWw

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Las Vegas, Nevada, ngày 9/6. Ảnh: AFP

Ví dụ nổi bật nhất là CEO Tesla Elon Musk. "Doanh nghiệp của Musk phù hợp với các ưu tiên của Biden nhưng lại có vẻ thân thiện với Trump", cựu dân biểu đảng Dân chủ Joe Cunningham nói trên Wall Street Journal.

Hoạt động kinh doanh của Tesla tương thích với tầm nhìn chuyển đổi năng lượng, mối quan tâm về trí tuệ nhân tạo của Biden. Nhưng tổng thống không được lòng Musk vì không mời CEO Tesla dự một diễn đàn của các nhà sản xuất ôtô điện do Nhà Trắng chủ trì hồi 2021, lý do vì Tesla không cho phép có công đoàn.

Là người ủng hộ đảng Dân chủ nhưng Nhà sáng lập LinkedIn Reid Hoffman cũng chỉ trích: "Việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về xe điện mà không mời Musk thật là lố bịch". Vào tháng 5/2022, Musk tuyên bố đoạn tuyệt với đảng Dân chủ mà ông cáo buộc là "gây chia rẽ và thù ghét".

Quan hệ của Musk với Trump trước đây cũng không thuận. Tháng 6/2017, CEO Tesla là người đầu tiên từ chức khỏi nhóm CEO cố vấn cho Trump nhằm phản đối việc ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tháng 6/2022, Musk kêu gọi Trump nên rút khỏi chính trường.

Cả hai chỉ mới làm hòa hồi tháng 3, sau một bữa tiệc tại tư dinh của tỷ phú tài chính Nelson Peltz ở Palm Beach. Theo Wall Street Journal, Musk sau đó không cam kết ủng hộ Trump nhưng hứa sẽ tiếp tục nói xấu Biden.

Tại Thung lũng Silicon - cộng đồng kinh doanh công nghệ thiên về đảng Dân chủ, Trump gần đây đã lấy lòng được nhiều CEO hơn. Bữa tối quyên góp gây quỹ của ông đầu tháng 6 ở San Francisco thu được 12 triệu USD.

Jacob Helberg, cựu đảng viên Dân chủ nhưng tài trợ Trump một triệu USD, nói đã chứng kiến bước ngoặt 6 tháng qua. "Năm 2016, số người từ Thung lũng Silicon mà tôi biết, ủng hộ Trump chỉ hiếm hoi như Peter Thiel - đồng sáng lập PayPal. Giờ tôi đếm được hàng chục, nếu không muốn nói là nhiều hơn thế", ông kể.

Dù bất an và hoài nghi với Trump nhưng việc một số CEO có tiếng thiện cảm hơn với ông do họ cảm thấy các chính sách của Biden ngày càng thiên tả, tức tập trung quá nhiều cho các vấn đề như công bằng xã hội, quyền lợi lao động và can thiệp nhà nước vào nền kinh tế.

Biden từng cáo buộc tập đoàn lớn góp phần gây ra lạm phát do đòi hỏi tỷ suất lợi nhuận quá cao. Ông phát động cuộc chiến chống độc quyền từ khi tiếp quản Nhà Trắng. Hãng bay giá rẻ Spirit bên bờ sụp đổ khi không được sáp nhập với Jet Blue hay công ty gia dụng iRobot lao đao khi Amazon bị cấm mua lại là các ví dụ.

Thung lũng Silicon, nơi từng cống hiến cho Obama, phải phàn nàn. Nhà sáng lập LinkedIn Reid Hoffman bất mãn với Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Lina Khan, người khởi xướng nhiều vụ kiện chống độc quyền chống lại các hãng công nghệ. Ông gọi động thái đó là tận dụng luật pháp một cách phi đạo đức.

Biden cũng tự hào là tổng thống ủng hộ công đoàn nhất trong lịch sử. Tháng 9/2023, ông dự cuộc đình công của lao động ngành ôtô ở Detroit để nhận được sự ủng hộ của công đoàn United Auto Workers (UAW). Sau đó, UAW cố gắng thành lập công đoàn cho các nhà máy xe hơi ở miền nam nước Mỹ.

Họ thành công ở Volkswagen nhưng thất bại ở Mercedes. Các hãng xe lo lắng về mô hình kinh doanh dựa trên lương thấp và không công đoàn mà họ đang duy trì. Vì vậy, dù lo ngại lời đe dọa đánh thuế xe nhập từ Mexico của Trump nhưng họ sẵn sàng ủng hộ ông hơn.

Ngoài ra, ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ bằng cách tấn công trực diện các công ty dầu mỏ nhân danh quá trình chuyển đổi năng lượng. Trước cuộc đua tái tranh cử, họ không thích tổng thống vì ông cho xả dầu từ các kho dự trữ chiến lược để hạ giá xăng và đình chỉ giấy phép xuất khẩu khí đốt vì lý do môi trường.

Trong khi, Trump củng cố sự ủng hộ trong ngành dầu mỏ bằng lập luận chính sách xe điện của Biden sẽ làm lợi cho Trung Quốc. Từng bất an về Trump nhưng năm ngoái tỷ phú dầu đá phiến Harold Hamm quyên góp cho ông một triệu USD.

New York Times tiết lộ, tại cuộc họp ở Mar-a-Lago vào tháng 4, Trump đề nghị các công ty dầu mỏ ủng hộ một tỷ USD và hứa sẽ đảo ngược các quy định về môi trường của Biden nếu đắc cử. Tuy nhiên, nhóm tranh cử của Trump phủ nhận thông tin này. Mike Sommers, Chủ tịch kiêm CEO Viện Dầu khí Mỹ, nhóm vận động hành lang của ngành dầu mỏ than thở: "Đã đến lúc chính quyền ngưng trò chơi chính trị với an ninh năng lượng toàn cầu".

Theo kết quả cuộc thăm dò của New York Times/Siena College được thực hiện từ ngày 20 đến 25/6 vừa qua, tỷ lệ cử tri định bỏ phiếu cho Trump đạt 48%, cao hơn Biden 4 điểm phần trăm.

Con số gây quỹ cũng cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng đối với cựu tổng thống. Vào cuối tháng 5, chiến dịch tranh cử của Trump nhận được 116,6 triệu USD so với 91,6 triệu USD của Biden. Sau khi Trump bị kết án ở New York tháng trước, chiến dịch thậm chí còn lập kỷ lục ngày gây quỹ trực tuyến nhiều nhất, thu được 8,1 triệu USD hôm 31/5.

Phiên An (theo Le Monde, Politico, NYT, WSJ)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022