Tuần trước, Thủ tướng ký Quyết định 1569 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, định hướng Hà Nội trở thành thành phố xanh, thông minh, thanh bình, thịnh vượng, với thu nhập bình quân khoảng 45.000-46.000 USD mỗi người một năm.

Với mục tiêu về môi trường, định hướng đến 2030, 70% nước thải sinh hoạt sẽ được thu gom, xử lý. Với chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị, 100% được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn, trong đó tỷ lệ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 10%.

Hà Nội hiện phát sinh một triệu tấn m3 nước thải sinh hoạt hàng ngày, nhưng mới chỉ xử lý được 30%, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thành phố cũng thải 7.000 tấn chất thải rắn, xử lý được 96-97%, trong đó 63% là chôn lấp.

to-lich-1734317808-2364-1734318026.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v65bJ-2Td7GJjLPPo2OjWg

Cống nước thải chảy ra sông Tô Lịch đoạn cầu vượt Láng Hạ, ảnh chụp ngày 28/11. Ảnh:Võ Hải

"Tới đây, trạm xử lý Yên Xá đi vào hoạt động sẽ nâng tỷ lệ xử lý nước thải lên 50%, một thành tựu rất lớn của thành phố", TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – nói tại Diễn đàn đô thị xanh ngày 12/12. Tỷ lệ xử lý nước thải trung bình của cả nước hiện ở mức 15-17%.

"Giấc mơ của Hà Nội đang bị đè bởi hai từ 'ô nhiễm' và 'ùn tắc'", TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh – cho biết.

Để đạt mục tiêu Hà Nội trở thành thành phố xanh, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên được nêu là bảo vệ môi trường và cảnh quan, giải quyết căn bản ô nhiễm môi trường và làm sống lại các dòng sông.

Cùng với đó, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải cũng được yêu cầu thực hiện bằng công nghệ hiện đại, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đồng thời xanh hóa khu vực nội đô, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của cả nước.

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải vào nguồn nước, phục hồi sông Ngũ Huyện Khê, Nhuệ, Đáy, Cầu Bây, Tích, Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét. Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát triển hành lang du lịch dọc các bờ sông Hồng, Đáy và Tô Lịch.

Các ao, hồ, kênh, mương điều hòa nước mặt được yêu cầu bảo vệ, chống san lấp, song song ứng dụng công nghệ mới để xử lý cơ bản ô nhiễm ao, hồ, phục hồi các dòng sông.

Sinh ra và lớn lên ở làng Quan Hoa, ven sông Tô Lịch, TS Nguyễn Đức Tài – Giám đốc điều hành Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và luật pháp – kể khi bé thường mò cua, bắt ốc trên dòng sông này. Vì thế, ông mơ năm 2026, sông Tô Lịch được hồi sinh, thậm chí một số đoạn có thể bơi được, đồng thời hình thành kinh tế xanh, kinh tế đêm, du lịch bên sông.

Bên cạnh việc phục hồi các dòng sông, chữ "xanh" cũng được lồng ghép nhiều trong quy hoạch. Ví dụ về phát triển kinh tế, thành phố phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ, hướng đến hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước 2030. Đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, với diện tích cây xanh hướng đạt 10-12m2 mỗi người.

Để hiện thực mục tiêu bảo vệ môi trường trong quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu áp dụng tổng hợp các biện pháp tuyên truyền, vận động, hành chính và kinh tế để thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong bảo vệ môi trường, chú trọng phân loại rác thải tại nguồn.

Thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường như ưu đãi cá nhân, doanh nghiệp đổi xe sử dụng xăng, dầu sang xe điện, ưu đãi với hoạt động xử lý, tái chế, tái sử dụng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp.

Thủy Trương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022