Ghi nhận tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu đã chạm mức 120.000 đồng một kg. Tương tự, giá tiêu tại Đăk Lăk, Gia Lai, Bình Phước cũng đã lên 119.000 đồng.

Bà Oanh, ở Gia Lai cho biết vụ này thu hoạch được khoảng 2 tạ tiêu. Với giá 119.000 đồng, vụ này gia đình bà thu được gần 24 triệu đồng. "Nhiều năm trước, giá tiêu liên tục lao dốc nên tôi đã giảm một nửa diện tích, xuống còn hơn 100 trụ tiêu", bà Oanh nói.

tieu-jpeg-1716884938-3186-1716885670.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rxUV_frhHP41sIt4OOu8uA

Vườn tiêu tại Tây Nguyên. Ảnh: VPA

Đây cũng là câu chuyện của nhiều hộ trồng tiêu năm nay khiến nguồn cung sụt giảm.

Chị Thanh Mai - thương lái thu mua tiêu ở khu vực Tây Nguyên - cho biết nắng nóng gay gắt nhiều tháng qua khiến năng suất tiêu trong dân giảm hơn 30%. Bên cạnh đó, những năm 2018-2020, có lúc giá tiêu lao dốc, còn 35.000-40.000 đồng một kg, nhiều vườn lâu năm chặt bỏ, trồng sầu riêng và một số loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. "Điều này khiến nguồn cung giảm so với cùng kỳ năm ngoái và các năm trước đó, đẩy giá tiêu tăng cao", chị lý giải.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng tồn kho dự trữ tiêu những năm gần đây xuống thấp. Việt Nam, Indonesia và Brazil dự báo đều giảm sản lượng mùa vụ vì ảnh hưởng bởi El Nino. Trong khi đó, ngoài Mỹ, các thị trường Pakistan, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ tăng mua hạt tiêu từ Việt Nam ở mức hai con số, đẩy nhu cầu tăng cao và giá liên tục đi lên.

Ngoài các yếu tố trên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, tình trạng thiếu container rỗng cũng làm cho giá cước vận tải biển tăng trung bình khoảng 30% trong những tuần qua, khiến giá hạt tiêu phát sinh thêm chi phí.

Do đó, Hiệp hội Hạt tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cẩn trọng trong hoạt động thu mua và xuất khẩu để tránh gặp rủi ro tương tự như giá cà phê, hay lúa thời gian qua.

Ngành hạt tiêu Việt Nam chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần thế giới. Theo Hiệp hội Hạt tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), quy mô thị trường hạt tiêu toàn cầu có giá trị khoảng 5,4 tỷ USD và dự báo đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% đoạn 2024- 2032.

Tính hết năm 2023, Mỹ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, chiếm 14,1%; tiếp sau là Ấn Độ và Đức lần lượt chiếm 5,4% và 4,3% trong tổng giá trị xuất khẩu tiêu.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022