Khái niệm kinh tế tuần hoàn (circular economy) lần đầu được sử dụng vào năm 1990 trong cuốn sách có tên Kinh tế Tài nguyên và Môi trường của các tác giả Pearce và Turne. Theo tổ chức Ellen Macarthur, ba nguyên tắc chính của một nền kinh tế tuần hoàn là: giảm và loại bỏ thải và ô nhiễm; kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm, nguyên vật liệu; tái tạo hệ thống tự nhiên. Xét riêng tài nguyên nhựa, đây cũng là một lĩnh vực cần thiết và có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đến nay, lợi ích kinh tế do việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã được chứng minh ở nhiều lĩnh vực.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn mang lại cho toàn cầu 4.500 tỷ USD tới năm 2030, theo cuốn The Circular Economy Advantage của hai tác giả Peter Lacy và Jakob Rutqvist. Riêng khu vực châu Âu, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra giá trị kinh tế lên đến 1.800 tỷ euro vào năm 2030 (theo nghiên cứu của công ty McKinsey & Co). Những ngành được đánh giá là có cơ hội lớn hơn trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn gồm lương thực - nông nghiệp, thời trang - dệt may, xây dựng - vật liệu xây dựng, hệ thống năng lượng - carbon, hóa chất, điện tử và công nghệ cao...

Triển khai thực tế, một số doanh nghiệp đã thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, thay cho mô hình kinh tế tuyến tính "sản xuất - tiêu dùng - thải bỏ". Cụ thể, các doanh nghiệp đều hướng đến việc tái sử dụng, tái chế nguyên liệu và sản phẩm, giảm thiểu rác thải, kéo dài vòng đời sản phẩm.

Đại diện Unilever đánh giá, mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa giúp tiết kiệm lượng lớn tài nguyên dùng cho việc sản xuất nhựa mới. Trong bối cảnh dầu mỏ ngày càng khan hiếm, sử dụng nhựa tái chế làm nguyên liệu sản xuất mở ra cho doanh nghiệp định hướng sản xuất tiết kiệm, bền vững hơn, hạn chế rủi ro về khủng hoảng khan hiếm nguồn cung.

Một trong những lợi ích kinh tế chính của việc tái chế nhựa là giảm chi phí mua nguyên liệu thô. Theo một số tổ chức tái chế nhựa trên thế giới như Ardua Global (có văn phòng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Montenegro), Shakti (Ấn Độ), tái chế nhựa giúp tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, năng lượng cần thiết để tái chế chai PET chỉ bằng 30% năng lượng sử dụng trong quá trình sản xuất nhựa từ nguyên liệu thô. Điều này dẫn đến chi phí năng lượng thấp hơn và chi phí sản xuất thấp hơn. Tái chế nhựa còn làm giảm chi phí quản lý rác thải, cũng như tạo doanh thu từ việc bán vật liệu nhựa tái chế, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Khi chi phí được cắt giảm, doanh nghiệp có thể tăng sức cạnh tranh về giá trên thị trường. Điều này cũng giúp doanh nghiệp thu hút và nhận được đánh giá cao từ nhiều đối tác, nhân sự có chung quan tâm tới môi trường, xã hội. Cùng với đó, khả năng xử lý và tái chế rác thải nhựa cũng là một trong những thế mạnh giúp doanh nghiệp thu hút người tiêu dùng lẫn nguồn nhân sự chất lượng quan tâm đến mô hình xanh.

Nếu được xử lý và tái chế đúng cách, rác thải nhựa có thể mang đến tiềm năng lợi nhuận không nhỏ cho doanh nghiệp. Đơn cử, mô hình này đã giúp Tesco, chuỗi siêu thị lớn nhất tại Anh, loại bỏ hơn 2,2 mảnh nhựa từ hoạt động kinh doanh tại nước này kể từ năm 2019.

Tại Việt Nam, Unilever thúc đẩy các sáng kiến cải thiện vật liệu bao bì phù hợp với kinh tế tuần hoàn. Đơn vị hiện có 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, loại bỏ 52% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.

Năm 2020, đơn vị ký kết hợp tác công tư với Tập đoàn SCG, Công ty TNHH Hóa chất Dow và Bộ Tài nguyên và Môi trường về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (PPC). Sau ba năm, PPC đã thu gom và tái chế được 25.000 tấn rác thải nhựa đưa vào phục vụ đời sống. Những nhà sản xuất như Unilever có thể sử dụng hạt nhựa tái sinh này để sản xuất thành chai nhựa mới. Các nhà phân phối như bán lẻ phân phối sản phẩm có bao bì nhựa tái sinh, khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục phân loại rác thải nhựa sau khi sử dụng, để vòng tuần hoàn của nhựa tiếp tục được diễn ra.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam cho rằng cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề lãng phí rác thải nhựa chính "là bẻ hướng dòng chảy để nhựa được tuần hoàn, quay lại phục vụ đời sống thay vì bị thải bỏ".

1-6824-1716608568.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UIst3BlgJmeANW60PQCG6Q

Phân loại rác thải nhựa để tái chế tại nhà máy Duy Tân. Ảnh: Duy Tân

Năm nay, Unilever đồng hành cùng Chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa", tổ chức bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh BritCham, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF). Chương trình hướng tới mục tiêu thúc đẩy giải pháp, sáng kiến từ các cá nhân và tổ chức trên cả nước trong việc phát triển công nghệ tái chế rác thải nhựa. Các bên cùng hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa, tập trung vào khâu thu gom tái chế rác thải.

"Chương trình này là một mảnh ghép quan trọng trong những nỗ lực của Unilever hướng tới mục tiêu 100% bao bì sản phẩm đều có thể tái chế vào năm 2025, thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì sản phẩm mà doanh nghiệp bán ra", bà Bích Vân cho biết.

Theo báo cáo Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và Thách thức đối với Tuần hoàn Nhựa do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện, mỗi năm khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong số này, chỉ 33% được tái chế (năm 2019), dẫn đến hao hụt 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2-2,9 tỷ USD bị mất đi mỗi năm. Thực trạng này cũng gây ô nhiễm đất, nước, không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hệ sinh thái, tác động tiêu cực lâu dài đến môi trường, kinh tế.

Để giảm thiểu rác thải nhựa, từ năm 2024, Chính phủ yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm phải thu hồi, tái chế bao bì nhựa thải bỏ thông qua một trong các hình thức: tự tổ chức thu hồi, tái chế hoặc ủy thác cho bên thứ ba thu hồi, tái chế; đóng góp kinh phí thu hồi, tái chế vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam.

Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 đặt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương vào năm 2025, và giảm 75% vào năm 2030. Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu phát triển mạnh mẽ ngành tái chế nhựa, sao cho đến năm 2025, cả nước sẽ không sử dụng các loại túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn và khu du lịch.

Xem thêm thông tin về cuộc thi "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" tại đây

Hoàng Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022