Tại phiên chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu xoay quanh điều hành giá điện, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

Ông Huỳnh Thanh Phương nhận xét điều hành giá điện vừa qua nhiều bất cập, là lý do dẫn tới thua lỗ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN, khoảng 47.500 tỷ đồng trong 2022-2023. Ông đề nghị Bộ trưởng Công Thương cho biết giải pháp điều hành tới đây, để tránh tình trạng thua lỗ kéo dài cho ngành điện.

Trước nhận xét này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói "điều hành giá điện không bất cập". Theo ông Diên, ở góc độ quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương thực hiện 3 chức năng là quy hoạch, kế hoạch; cơ chế chính sách và thanh tra, kiểm tra. "Trong tham mưu xây dựng cơ chế, nhất là chính sách giá điện, chúng tôi tuân thủ đúng quy định pháp luật, như Luật Điện lực và Luật Giá", ông nói.

Điện là một trong số mặt hàng bình ổn giá, chịu sự quản lý của Nhà nước. Vì thế, các chi phí đầu vào cho sản xuất điện theo thị trường, tức nguyên liệu như than, dầu, khí... được EVN mua từ các đơn vị cung ứng theo giá thị trường. Nhưng đầu ra - giá bán lẻ điện - phải bình ổn. Điều này để tránh ảnh hưởng tới đời sống người dân, sản xuất, nhưng giá điện chưa theo thị trường cũng là lý do khiến ngành điện bị lỗ.

"Có thời điểm chênh lệch chi phí đầu vào và giá bán ra của EVN khoảng 208-216 đồng một kWh", ông Diên nói.

Dien2-3556-1724221155.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VaYFK8VEB-0J4VyYgpK5FQ

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Hai năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ khoảng 47.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn này trong năm 2022 là hơn 36.000 tỷ đồng và 2023 gần 26.000 tỷ. 2023 cũng là năm thứ hai EVN lỗ từ sản xuất kinh doanh điện. Số lỗ của tập đoàn này chủ yếu do giá bán ra vẫn thấp hơn giá thành. Hồi đầu năm nay, mỗi kWh bán ra doanh nghiệp này lỗ gần 142,5 đồng.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, giá điện đang phải gánh "nhiệm vụ đa mục tiêu", gồm bù đắp chi phí, khuyến khích đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh năng, lượng, kiểm soát lạm phát. "Có những mục tiêu ngược chiều nhau, khó hài hòa. Cơ quan quản lý cần tính toán lại để đảm bảo đúng vai trò của giá điện", ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nói ở tọa đàm hôm 21/8.

Để tránh thua lỗ của ngành điện trong tương lai, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ quan này tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10. Trong đó, dự thảo luật sẽ bổ sung quy định xóa bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện. Giá điện cũng được tính đúng, đủ, tính hết giá thành sản xuất điện, điều độ, vận hành... Các quy định để thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vận hành tốt hơn cũng được bổ sung.

Cũng theo ông Diên, đầu tháng 8, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) được chuyển từ EVN về Bộ Công Thương. Việc này bảo đảm minh bạch, công bằng trong điều độ, vận hành hệ thống giữa các đối tượng phát, sử dụng điện.

EVN-Ngoc-Thanh-jpeg-1209-1724221155.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gvN7D7Gkuk-zHxdP3P1g2g

Công nhân Điện lực Hà Nội sửa chữa đường dây. Ảnh: Ngọc Thành

Tại phiên chất vấn, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề cập tới việc ngành điện dừng mua sản lượng dư từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà của người dân, khiến họ chịu thiệt. "Bộ Công Thương có cách giải quyết thế nào để tiếp tục mua lượng điện dư từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhất là ở khu vực phía Nam", bà hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Chính phủ đã giao Bộ này xây dựng dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Theo đó, Nhà nước sẽ mua tối đa 20% công suất đặt dự án điện mặt trời mái nhà. Nhưng ông Diên nói đây cũng là thách thức, thậm chí có thể rủi ro cho an toàn hệ thống điện.

Ông phân tích, theo Quy hoạch điện VIII, tổng nguồn điện đến 2030 là 150.589 MW, trong đó năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) chiếm khoảng 27% mức cao trong cơ cấu nguồn điện. Do tính bất định của năng lượng tái tạo, để hệ thống điện hoạt động ổn định, không rủi ro thì cần nguồn điện nền (điện than, thủy điện...), khoảng 75-80%. "Việc nâng tỷ trọng điện tái tạo sẽ gây mất rủi ro an toàn hệ thống, lưới điện cơ sở. Để khuyến khích người dân lắp đặt chính sách đưa ra các cơ chế, nhưng cũng phải tôn trọng yếu tố kỹ thuật, chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu đơn thuần", ông nói.

Bộ trưởng Công Thương nói thêm, dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu cũng đưa ra các điều kiện ràng buộc, giám sát với nhà đầu tư, để giảm tránh tình trạng trục lợi chính sách hay rủi ro cho hệ thống điện.

"Hệ thống điện có thể bị sập nếu vận hành có sai sót. Chúng tôi tiếp thu kiến nghị của đại biểu, nhưng cũng phải tuân thủ các yếu tố kỹ thuật, pháp luật", ông Diên nói.

Hiện cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân. Chính phủ đang xem xét để nới "room" với loại nguồn điện này.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022