Tổng giá trị dự trữ ngoại tệ toàn cầu giảm xuống còn 11.600 tỷ USD vào cuối tháng 9/2022, lần đầu tiên giảm xuống dưới 12.000 tỷ USD kể từ tháng 3/2020, theo thông tin mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

"Điều này phản ánh việc các quốc gia bán dự trữ ngoại tệ, chủ yếu là USD, để hỗ trợ đồng tiền của chính họ", Yoshimasa Maruyama, chuyên gia phân tích tại SMBC Nikko Securities, nhận định.

Trong phân bổ dự trữ ngoại hối toàn cầu đến quý III/2022, USD chiếm quy mô lớn nhất, đến 59,79%. Đứng thứ hai và ba là euro và yen, với tỷ trọng lần lượt là 19,66% và 5,62%.

https-3A-2F-2Fs3-ap-northeast-4864-2954-1673501987.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=t65YFDM23kAVZVmoOIcsAg

Từ trái sang, các tờ tiền won, yen, nhân dân tệ và USD. Ảnh: Reuters

Dự trữ của Nhật Bản đã giảm 13% trong năm qua, xuống còn 1.230 tỷ USD vào cuối năm 2022, mức giảm đầu tiên sau 6 năm và mức giảm mạnh nhất kể từ 2001, theo số liệu chính phủ Nhật Bản công bố hôm 11/1. Khi đồng yen suy yếu mạnh vào tháng 9 và tháng 10, có thời điểm mất hơn 151 yên đổi một USD, Tokyo đã bán USD để ngăn chặn đà sụt giảm.

Việc giảm dự trữ ngoại hối không chỉ có thể làm cạn kiệt năng lực can thiệp vào tỷ giá của các ngân hàng trung ương, mà còn ảnh hưởng đến việc trả nợ bằng ngoại tệ của một số quốc gia bị tổn thương trước khó khăn kinh tế. Dù thị trường tiền tệ đã ổn định trở lại nhưng vẫn còn rủi ro về một đợt tăng giá khác của USD, khiến một số quốc gia tiếp tục chật vật.

Theo IMF, tình trạng đặc biệt tồi tệ là các nền kinh tế mới nổi như Sri Lanka, nơi có dự trữ giảm hơn 40% từ cuối năm 2021 đến tháng 11/2022, do hoạt động du lịch giảm. Các quốc gia châu Á nghèo tài nguyên cũng chứng kiến sự sụt giảm dự trữ đáng kể, ví dụ như Hàn Quốc giảm 10% trong nỗ lực chống đỡ cho đồng won.

Xu hướng đã bắt đầu thay đổi ở một số quốc gia khi sự tăng giá của USD đã giảm bớt trong vài tháng gần đây. Ví dụ, dự trữ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đáng kể khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan giữ nguyên chính sách tiền tệ lỏng lẻo khiến đồng lira lao dốc. Tuy nhiên, sau khi áp lực lên đồng tiền giảm bớt, nước này đã tích cực bổ sung dự trữ ngoại tệ đến mức cao hơn thời điểm cuối năm 2021. Nam Phi cũng đã bổ sung nguồn dự trữ của mình.

Tuy nhiên, dự trữ ở nhiều nơi trên thế giới vẫn ở mức thấp đáng lo ngại theo đánh giá của IMF về chỉ số dự trữ đầy đủ (ARA). ARA đánh giá việc các quốc gia có đủ ngoại tệ trong tay để trang trải các khoản chi tiêu tiềm năng hay không.

Theo Viện nghiên cứu Dai-ichi Life của Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ hiện chỉ có 53% lượng dự trữ cần thiết theo tiêu chuẩn ARA - thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của IMF là 100% đến 150%. Trung Quốc, quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, ở mức khoảng 60% theo chỉ số ARA, sau khi lượng ngoại tệ nắm giữ giảm 4% giai đoạn từ cuối năm 2021 đến tháng 11/2022.

Có suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm nay. Điều này sẽ ngăn chặn áp lực tăng giá đối với USD. Nhưng đồng bạc xanh có thể tăng trở lại nếu lạm phát kéo dài hơn dự đoán.

"Điều tồi tệ nhất đã qua so với khi sức mạnh của USD đạt đỉnh vào mùa thu năm ngoái. Nhưng nếu nó tăng giá trở lại, khả năng hỗ trợ nội tệ của các nước sẽ bị hạn chế hơn", Chuyên gia Toru Nishihama tại Dai-ichi Life Research, nhận định.

Phiên An (theo Nikkei)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022