Schneider Electric là một trong số các doanh nghiệp theo đuổi kế hoạch Net Zero. Ông Xavier Denoly - Phó chủ tịch cấp cao về Phát triển bền vững của Schneider Electric nhấn mạnh, trong mục tiêu hướng phát thải bằng không, không thể bỏ qua mô hình tòa nhà xanh.

Vị lãnh đạo phân tích, các tòa nhà tiêu thụ 30% năng lượng của thế giới và chịu trách nhiệm cho 40% lượng phát thải CO2. Tiết kiệm 25-67% năng lượng trong các tòa nhà có thể giảm đáng kể chi phí vận hành và khí thải carbon, đồng nghĩa với việc tiến gần tới nền kinh tế phát thải bằng không.

hotu7626-1672039764-1672039839-7688-8475-1672041289.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=n1Gq6XgivW5i0vcgIju3OQ

Ông Xavier Denoly trò chuyện về mô hình tòa nhà xanh tại trụ sở đơn vị đặt ở TP HCM. Ảnh: Schneider

Tòa nhà xanh nghĩa là cắt giảm lượng khí thải carbon xuống bằng không từ hoạt động thi công cho đến vận hành. Tiêu chuẩn này cần thực hiện đồng bộ thông qua hai giải pháp: điện hóa từ năng lượng tái tạo (sử dụng các nguồn năng lượng gió, mặt trời, bộ lưu trữ điện...); thứ hai là lĩnh vực số hóa (tự động hóa tòa nhà, hệ thống quản lý năng lượng) cho tòa nhà.

Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 là một trong những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), tiếp tục tái khẳng định tại COP27 năm nay. Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh 2021-2030 với mục tiêu xanh hóa nền kinh tế: giảm phát thải ít nhất 15% khí nhà kính, giảm tiêu hao 1-1,5% mỗi năm năng lượng sơ cấp, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 15-20%... Chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là chủ trương nhất quán và là mô hình kinh tế mà Việt Nam lựa chọn.

Về câu chuyện vận hành doanh nghiệp liên quan đến mục tiêu giảm phát thải, theo ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Vietnam và Campuchia, 75% khí thải carbon sinh ra trong quá vận hành, chỉ 35% phát sinh trong khâu xây dựng. Vì vậy, các thiết kế tối ưu hóa vận hành mang đến ý nghĩa to lớn trong mục tiêu Net Zero.

Ông Lâm đánh giá giải pháp về xanh hóa tòa nhà xanh không chỉ có bằng việc xây mới. Chính trong những tòa nhà hiện hữu, đơn vị cũng cung cấp những giải pháp tối ưu năng lượng cho vận hành.

"Làm mới những tòa nhà hiện hữu cực kỳ quan trọng. Các tòa nhà hiện tại sẽ tồn tại đến 2050 - năm cần đạt mục tiêu phát thải bằng không. Vì vậy thay vì đập hết để xây mới, chúng ta nên xanh hóa các tòa nhà đang có sẵn", ông Lâm cho biết.

hotu7555-1672039902-4012-1672041289.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pTz_ifdDnzve5SBu38Sd9w

Ông Đồng Mai Lâm nói về những yếu tố trong giải pháp xanh hóa tòa nhà. Ảnh: Schneider

Vị tổng giám đốc lấy ví dụ bằng tòa nhà trụ sở chính của đơn vị tại Singapore. Đây là tòa nhà 25 năm tuổi, đề bài từ Chính phủ đưa ra là: làm sao cải tạo nó thành tòa nhà xanh. Để thực hiện, đơn vị đã ứng dụng 100% năng lượng từ nguồn tái tạo: lắp đặt hệ thống mặt trời, mua điện từ năng lượng tái tạo. Hệ thống cửa kính bên ngoài thay mới toàn bộ, dùng vật liệu cách nhiệt nhằm giảm thất thoát năng lượng.

Tiếp theo khâu thiết kế là đổi mới vận hành. Tập đoàn lắp đặt hơn 5.000 cảm biến, thiết bị IoT để dự báo thời tiết, tiết kiệm sử dụng năng lượng, tối ưu hoạt động tòa nhà. Nhờ vậy, đây là tòa nhà đầu tiên đạt chứng nhận phát thải carbon bằng không.

Ngoài ý nghĩa với môi trường toàn cầu, xanh hóa tòa nhà còn mang đến nhiều giá trị gián tiếp liên quan đến tài chính như tiết kiệm chi phí vận hành, tối ưu hóa sử dụng, nâng cao giá trị thương hiệu. Khi ứng dụng công nghệ vào tòa nhà hiện hữu, phí thuê tăng lên, rút ngắn thời gian hoàn vốn.

schneiderelectrickallang-px4ht-7688-6359-1672041289.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZEaAnkz2l5mGXJLIj77cyg

Trụ sở đơn vị tại Singapore đạt chứng nhận phát thải ròng bằng không. Ảnh: Schneider

Còn với xây mới, ứng dụng công nghệ chỉ tốn 4-6% chi phí đầu tư. "Hiện chi phí đầu tư ngày càng giảm xuống nên chi phí tăng thêm sẽ thấp hơn mức 4% rất nhiều. Tôi tin rằng các chủ đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng các giải pháp, tòa nhà phát thải ròng bằng không trong tương lai", ông Lâm kỳ vọng.

Tuy vậy, có một thực tế số lượng các tòa nhà xanh được chứng nhận vẫn còn ít trong khi mức độ tiếp cận các công nghệ kỹ thuật không thua kém khu vực. Việt Nam mới ghi nhận 233 công trình xanh đạt Net Zero, bằng 1/2 Thái Lan và rất khiêm tốn so với 5.000 công trình xanh của Singapore, dù triển khai cùng thời điểm.

Yếu tố gây cản trở tiến trình này, theo ông Xavier Denoly là chi phí. Thông thường các nhà đầu tư khi xây dựng chỉ quan tâm chi phí xây dựng. Các chi phí khác như môi trường, vận hành, giảm thải carbon chưa được tính vào trong chuỗi giá trị tòa nhà. Kế đến, cần chính sách khuyến khích xây dựng tòa nhà xanh mạnh mẽ hơn. Cuối cùng, các nhà đầu tư, phát triển bất động sản cần đưa giá trị bền vững như một phần giá trị công ty.

"Khi chủ đầu tư quản lý hiệu quả tòa nhà và thấy rõ giá trị của việc nhanh hoàn vốn, tiết kiệm chi phí, họ sẽ thúc đẩy quá trình xanh hóa", ông Xavier Denoly phân tích.

Các chuyên gia Schneider nhấn mạnh, phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu của nền kinh tế hiện nay và tương lai trước sự gia tăng của biến đổi khí hậu. 80% khí thải carbon toàn cầu phát sinh từ quá trình sản xuất, tiêu thụ năng lượng; gia tăng 1,5 độ C khiến Trái Đất nóng lên toàn cầu. Những hành động trong ngành năng lượng hiệu quả, xanh hóa năng lượng từ đó mang ý nghĩa lớn lao, hướng tới tương lai bền vững.

Minh Tú

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022