Theo Reuters, Indonesia đặt mục tiêu xuất khẩu khí thiên nhiên sang Việt Nam bắt đầu từ năm 2026. Bộ trưởng Năng lượng Arifin Tasrif cho biết nguồn khí lấy từ lô ngoài khơi Tuna nằm gần biên giới biển Indonesia và Việt Nam.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có thể cung cấp 100-150 triệu feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày (MMSCFD) thông qua một đường ống dẫn khí từ khối Tuna do Harbour Energy vận hành. Trang web của công ty này cho biết mỏ Tuna được phát hiện vào tháng 4/2014 với khoảng 100 triệu thùng dầu tương đương.

hae-18713-172-indonesia-map-02-3954-1671852468.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nZ2Z6bJBBRiBxsXVObpFaA

Mỏ Tuna nằm ngoài khơi Indonesia, gần biên giới biển với Việt Nam. Ảnh: Harbour Energy

Theo Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trữ lượng khí thiên nhiên đã được chứng minh của Indonesia đạt tổng cộng 49,7 nghìn tỷ feet khối (Tcf) vào năm 2021, giảm hơn 50% so với 100,4 Tcf vào năm 2019. Trữ lượng của nước này lớn thứ ba ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Australia. EIA ước tính Indonesia sản xuất 2,2 Tcf khí tự nhiên khô vào năm 2020, chủ yếu từ các mỏ ngoài khơi không liên quan đến sản xuất dầu thô. Lượng sản xuất khí tương đối ổn định trong nhiều năm qua.

Riêng về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), sau khi chiếm hơn một phần ba xuất khẩu toàn cầu trong những năm 1990, thị phần của Indonesia năm 2020 giảm về 4,4% và đứng thứ 7. Nước này đang là nhà cung cấp LNG chính cho Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, dẫu đang mất thị phần vào tay Qatar, Malaysia, Australia và Mỹ.

Hiện LNG là nguồn năng lượng sạch, một trong những giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu đối khi các nguồn tài nguyên truyền thống (thủy điện, than...) trên đà suy giảm. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đối mặt với tình trạng nguồn cung khí nội địa ngày càng co lại vì tìm kiếm và thăm dò trong nước gặp khó. Do đó, thời gian tới, Việt Nam sẽ phải duy trì ổn định nguồn cung cấp hiện có, đồng thời nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW điện khí, chiếm 15,6% tổng công suất các nguồn điện, tương ứng sản xuất 19% tổng sản lượng điện. Con số này sẽ tăng lên 19.000 MW vào năm 2030, tương đương cần 22 tỷ m3 khí, trong đó 50% từ nguồn nhập khẩu khí LNG. Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí đến 2035 ước tính, Việt Nam cần nhập 1-4 tỷ m3 LNG mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 và sẽ tăng lên 6-10 tỷ m3 mỗi năm vào sau 2026.

Không chỉ nhập khẩu để phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, khí tự nhiên đang là ngành công nghiệp tiềm năng. Thị trường khí, nhất là LNG, của Việt Nam được đánh giá sôi động và tăng trưởng cao trong khu vực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn lớn vào ngành công nghiệp này như Công ty Thăm dò Dầu khí Nhật Bản (JAPEX) với dự án tổ hợp LNG tại Hải Phòng, Chan May LNG (liên doanh với Mỹ) có kế hoạch đầu tư đến 6 tỷ USD ở Thừa Thiên - Huế, Tập đoàn OJSC Gazprom (Nga) dự định đầu tư gần 300 triệu USD vào dự án điện khí tại Quảng Trị...

Tiểu Gu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022