So với tháng trước đó, CPI tháng 5 tăng 0,6% so với tháng trước đó. Tháng 4/2021, CPI của Mỹ ghi nhận mức tăng 0,8%, cao nhất tính từ năm 2009. Nếu loại bỏ đi giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi tăng 0,7% so với tháng liền trước, cao hơn dự báo của giới chuyên gia.
Việc chỉ số giá tiêu dùng Mỹ lên mạnh có nguyên nhân trực tiếp từ việc chi phí phương tiện đã qua sử dụng, nội thất gia đình, vé máy bay và đồ may mặc tăng cao.
Nếu so với cùng kỳ năm 2020, CPI Mỹ tháng 5/2021 tăng đến 5%, mức tăng cao nhất tính từ tháng 8/2008. Tuy nhiên cũng phải tính đến việc CPI Mỹ tháng này được so sánh với nền rất thấp của năm 2020 khi nước Mỹ vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19, người dân hạn chế tiêu dùng, nhu cầu xuống thấp.
Chỉ số CPI lõi tăng 3,8% so với 12 tháng trước, mức tăng mạnh nhất tính từ năm 1992.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm tăng sau thông tin về lạm phát Mỹ, chạm mức 1,52%. Đồng USD không có nhiều thay đổi và các chỉ số chứng khoán tương lai diễn biến trái chiều.
Áp lực giá cả đang lớn dần trong khắp nền kinh tế Mỹ khi mà doanh nghiệp chật vật đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa nguyên liệu và cả lao động thiếu hụt. Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn của hệ thống vận tải, chi phí đầu vào cao và mức lương lên mạnh cũng đang gây ra nhiều thách thức với những doanh nghiệp đang cố gắng có lãi.
Nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ tăng cao khi chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của nước Mỹ có nhiều bước tiến đáng kể, các quy định hạn chế kinh doanh được nới lỏng, liên bang tung ra chương trình kích cầu quy mô hàng nghìn tỷ USD và tiết kiệm của người dân dồi dào.
Quý I, GDP Mỹ tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ. Khảo sát của Wall Street Journal thực hiện vào tháng 4/2021 cho thấy kinh tế Mỹ quý 2/2021 có thể tăng trưởng đến 8,1%.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ chờ đợi thông tin về tình hình lạm phát Mỹ tháng 5/2021 để đánh giá xem liệu có phải lạm phát có tăng trong ngắn hạn hay không. Việc lạm phát lên mạnh trong ngắn hay dài hạn là yếu tố vô cùng quan trọng với kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Quốc hội Mỹ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế bằng chính sách tài khóa và tiền tệ.
Theo quan điểm của Fed, lạm phát Mỹ sẽ chỉ tăng tạm thời trong năm nay. Nhưng nếu lạm phát cao trở thành xu thế, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có thể buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn kỳ vọng hoặc phải hành động quyết liệt hơn sau này nhằm đạt mục tiêu lạm phát trung bình 2%.
Chuyên gia kinh tế tài chính tại tổ chức Oxford Economics - bà Kathy Bostjancic cho rằng Fed muốn chấp nhận để lạm phát tăng vượt lên mức 2% bởi điều đó sẽ tốt cho nền kinh tế. Lạm phát cao đồng nghĩa với lãi suất cao, Fed sẽ có thêm điều kiện để hạ lãi suất trong đợt kinh tế suy thoái lần tới, bà nhận định.
Diệu Thanh (Theo WSJ, Bloomberg)