Cuối 2024, Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính tại TP HCM, dự kiến vận hành năm 2025, phấn đấu hoàn thành trong 5 năm. TP HCM khởi động khi khu vực đã có nhiều trung tâm tài chính lớn, đòi hỏi hướng đi riêng.

Theo TS Trịnh Quốc Đạt, Trưởng khoa Kinh tế, tài chính và kế toán, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM), thành phố chưa đủ sức cạnh tranh trung tâm tài chính với Bangkok hay Kuala Lumpur, thậm chí còn chậm hơn Jakarta.

"Do đó, bước đầu tiên là nên định vị vai trò "gateway" (cổng kết nối) rồi từng bước phát triển thành một trung tâm (hub) tài chính của khu vực", TS Đạt nêu tại hội thảo "Các thị trường vốn quốc tế và lựa chọn chính sách của nền kinh tế mới nổi" do Đại học Việt Đức (VGU) tổ chức hôm 3/4.

Tính cạnh tranh giữa các trung tâm tài chính Đông Nam Á (*):

Thành phố

Xếp hạng chung

Xếp hạng tài chính xanh

Thế mạnh
Singapore 4 3 Trung tâm toàn cầu về quản lý tài sản, giao dịch tài chính, cầu nối dòng vốn phương Tây - châu Á.
Bangkok 96 82 Các hoạt động tài chính cốt lõi như ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư đã trưởng thành.
Kuala Lumpur 51 78 Tài chính cho cộng đồng Hồi giáo.
Jakarta 97 63 Xếp hạng cao về tài chính xanh.
TP HCM 98 Chưa được xếp hạng Vị trí địa lý trung tâm, nhiều FTA. Định hướng thu hút trung tâm tài chính công nghệ, tài chính xanh, đổi mới sáng tạo, giao dịch hàng hóa.
Manila 103 81 Được xếp hạng trung tâm tài chính xanh, bắt đầu thâm nhập phục vụ thị trường tài chính Hồi giáo.

*Xếp hạng chung theo Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI 37); xếp hạng tài chính xanh theo Chỉ số Tài chính Xanh toàn cầu của Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc; các thế mạnh tổng hợp từ ý kiến chuyên gia.

Theo Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI 37) công bố tháng trước, TP HCM tăng 7 bậc so với năm ngoái, đứng 98 trên 119 thành phố. Tuy nhiên, địa phương vẫn sau Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur và Jakarta.

Về đặc điểm, Singapore là trung tâm toàn cầu về quản lý tài sản, tài trợ thương mại, kết nối dòng vốn phương Tây - châu Á và hoạt động startup. Bangkok đã trưởng thành về hoạt động ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm, thị trường vốn. Còn Kuala Lumpur sở hữu thế mạnh tài chính cho cộng đồng Hồi giáo.

Tuy nhiên, TP HCM có lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, cách các thủ đô Đông Nam Á khác chỉ 2,5-3 giờ bay; múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, thuận lợi thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch. Song song đó, Việt Nam sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

"Mối quan hệ kinh tế sâu rộng với các nền kinh tế Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đông Á, Việt Nam nên xác lập vị thế cửa ngõ kết nối dòng vốn cho nhà đầu tư khi làm trung tâm tài chính", TS Đạt phân tích.

Nói với VnExpress, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng để có được tính kết nối mạnh mẽ với thế giới, TP HCM phải xây dựng được cơ sở hạ tầng chất lượng cao, gồm giao thông và công nghệ.

dji-20250128073147-0096-d-1743-9242-9665-1743752306.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9ScTBo1Cxy7vxH1cF4W6BQ

Khu vực Công trường Mê Linh, quận 1, TP HCM, tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đề án, định hướng phát triển trung tâm tài chính, trong đó có các thế mạnh mới như công nghệ tài chính (fintech), tài chính xanh, các sàn giao dịch hàng hóa nông sản ứng dụng blockchain.

Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM (HIDS) chỉ ra điểm tích cực, thể hiện tư duy mở và tiệm cận với các thông lệ quốc tế, như chấp nhận tài sản mã hóa, công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong hoạt động của trung tâm, cho phép giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế trọng tài.

Ngoài ra, TP HCM được chủ động xây dựng chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hệ sinh thái trung tâm tài chính. Hiện có 4 đối tác chính thức xác nhận hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo gồm hai trung tâm tài chính Dubai, London, cùng với Đại học Việt Đức, RMIT.

TS Nguyễn Quốc Vinh, Luật sư sáng lập công ty luật Scientia đánh giá dự thảo Nghị quyết có phạm vi rộng và mang tính tham vọng, song vẫn tồn tại nhiều điểm cần hoàn thiện.

"Nhiều chính sách còn chung chung mà Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Trong đó ít nhất 17 lĩnh vực cần sự can thiệp cụ thể, có thể gây chậm trễ trong triển khai", ông Vinh chỉ ra.

vgu-1743752002-1743752033-5357-1743752306.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3AYTTjvwwt8r_bbb188EQA

TS Trịnh Quốc Đạt (thứ hai từ bên phải) và GS Michael Binder (thứ ba từ bên phải) thảo luận về trung tâm tài chính tại hội thảo do VGU tổ chức hôm 3/4. Ảnh: Dỹ Tùng

Giáo sư Michael Binder, Trường Kinh tế, tài chính và quản trị Frankfurt (Đức) cho rằng muốn phát triển thị trường tài chính thực chất thì phải có chính sách cho phép các chủ thể trong hệ sinh thái (gồm cá nhân, ngân hàng, công ty dịch vụ tài chính hay các tổ chức trung gian) được tự do ra quyết định kinh tế. "Dĩ nhiên, điều đó vẫn phải nằm trong khuôn khổ quản lý phù hợp", ông nói.

Ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á góp ý trung tâm tài chính cần chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế, có cam kết hỗ trợ chiến lược trước và trong quá trình thành lập, vận hành.

Các trung tâm tài chính còn đóng vai trò thu hút "vốn đầu tư cư trú" (resident investment capital) để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, việc đảm bảo sự sẵn có của "các sản phẩm tài chính đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư quốc tế" là yêu cầu bắt buộc, theo ông Hải.

"Vốn đầu tư thường trú" là các chương trình cấp quyền thường trú hoặc công dân cho nhà đầu tư đáng kể vào nền kinh tế, thường thông qua bất động sản, liên doanh kinh doanh hoặc trái phiếu chính phủ.

Cuối cùng, vai trò quản lý kinh tế vĩ mô là rất quan trọng trong củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Ông Võ Hoàng Hải và TS Trịnh Quốc Đạt cho rằng phải sớm nâng cấp xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đưa thị trường chứng khoán lên mới nổi.

Hiện Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam mức BB+ với triển vọng "Ổn định"; Moody’s xếp hạng ở mức Ba2, triển vọng "Ổn định"; còn S&P xếp hạng ở mức BB+, triển vọng "Ổn định".

"Bước thay đổi rất quan trọng là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi", TS Đạt nói.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022