Nói tại quốc hội vào tháng trước, ông Tan See Leng, Thứ trưởng Công Thương Singapore cho biết ngoài điện hạt nhân và nhiên liệu hydrogen, tín chỉ carbon bù trừ là phương thức giúp Singapore đạt mục tiêu khí hậu.

singapore-1743739636-7739-1743741038.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PEIaRwjFufB2GaH5obCmCg

Mây tụ trên nhà máy lọc dầu Pulau Bukom của Shell tại Singapore, ngày 30/1/2016. Ảnh: Reuters

Singapore là nước hiếm hoi đệ trình đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) lên Liên Hợp Quốc đúng hạn vào tháng 2. Theo báo cáo, quốc gia này thải 58,59 triệu tấn CO2e năm 2022, chiếm 0,1% lượng khí thải toàn cầu. Tuy nhiên, Chính phủ nước này thừa nhận gặp thách thức trong cắt giảm phát thải.

Hạn chế về diện tích cùng tốc độ gió thấp khiến Singapore khó triển khai năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời. Quốc đảo này có rất ít lựa chọn để tự khử carbon. Việc mua tín chỉ carbon bù trừ từ dự án và quốc gia khác là một trong những giải pháp khả thi.

Báo cáo minh bạch của Singapore 2024 dự báo phát thải năm nay có thể ở mức 59,7 triệu tấn CO2e nếu mua tín chỉ, giảm 2,5 triệu tấn so với kịch bản thông thường. Quốc gia này dự kiến đạt đỉnh phát thải vào 2028 và giảm dần về 0 (Net Zero) năm 2050.

Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.

Để hỗ trợ cho thị trường này, Singapore đã đưa ra thuế carbon vào năm 2019, khuyến khích các công ty giảm khí thải. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm giao dịch carbon toàn cầu, thu hút các khoản đầu tư và thiết lập quan hệ đối tác từ nhiều khu vực, gồm Việt Nam.

Đầu tháng này, Singapore ký kết thỏa thuận giao dịch carbon với Peru, nơi có rừng Amazon và dãy Andes rộng lớn. Theo thỏa thuận, Singapore sẽ mua tín chỉ carbon từ các dự án phục hồi và bảo tồn rừng, qua đó tạo việc làm và cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra, nước này sẽ góp 5% số tiền thu được từ tín chỉ để tài trợ các giải pháp thích ứng với khí hậu tại Peru.

Đây là nước thứ tư hợp tác giao dịch carbon với Singapore, sau Papua New Guinea, Ghana và Bhutan. Các thỏa thuận này mở đường để quốc đảo sư tử mua tín chỉ carbon ở các nước trên, nhằm đáp ứng mục tiêu khí hậu trong nước theo khuôn khổ Thỏa thuận Paris.

Cùng với hoạt động mua tín chỉ ở cấp quốc gia, các công ty chịu thuế carbon ở Singapore cũng có thể mua tín chỉ từ dự án ở nước đối tác này để bù đắp tối đa 5% lượng khí thải chịu thuế.

Singapore hợp tác song phương với hơn 20 nước để mua tín chỉ carbon, theo The Strait Times. Ngoài 4 đối tác đã ký thỏa thuận giao dịch, quốc gia có GDP đầu người cao nhất châu Á đang đàm phán thỏa thuận với Việt Nam, Paraguay và ở bước đầu đàm phán với các nước còn lại.

sing-1-1743740765-1988-1743741038.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VWSfXsQknU9Xds5K0RC--Q

Sân bay Changi tại Singapore, tháng 4/2024. Ảnh: Reuters

Động thái quan trọng để thúc đẩy Singapore thành trung tâm giao dịch carbon là Chính phủ tiên phong mở thầu, đặt mục tiêu mua ít nhất 500.000 tín chỉ carbon từ các dự án phục hồi rừng, bảo vệ hệ sinh thái hoặc thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Đây là cuộc đấu thầu tín chỉ đầu tiên ở Singapore, công bố trên cổng thông tin mua sắm chính phủ từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025, thu hút 17 dự án với tổng giá trị 1 tỷ USD.

Gói thầu này mở với dự án tại một số nước ký kết thỏa thuận như Ghana, tín chỉ được giao chậm nhất vào năm 2031.

Các đơn vị tham gia đấu thầu gồm Trafigura, một công ty kinh doanh hàng hóa toàn cầu, với giá gần 300 triệu đôla Singapore, GenZero do Temasek hậu thuẫn (27,5 triệu đôla Singapore), Shell (34 triệu đôla Singapore) và PetroChina (21,8 triệu đôla Singapore). Khối lượng tín chỉ chào thầu cao nhất là 5 triệu tCO2e, giá thầu lên tới 55 đôla Singapore mỗi tín chỉ.

Nước này chưa công bố bên thắng thầu, nhưng lên kế hoạch mở tiếp một cuộc đấu thầu khác trong năm nay, mua thêm 500.000 tín chỉ.

Dù vậy, bà Melissa Low, nhà chính sách khí hậu và nghiên cứu viên tại Trung tâm Giải pháp khí hậu dựa trên thiên nhiên, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chỉ ra thách thức với Singapore là chưa có khoản tín chỉ nào được xác lập tại các nước đã ký thỏa thuận, trong khi chỉ vài năm nữa đến mốc giữa kỳ 2030.

Thực tế, Singapore chưa mua được tín chỉ nào từ các quốc gia đối tác. Bên cạnh đó, bà Low thêm rằng việc Chính phủ nhắm tới tín chỉ dựa trên thiên nhiên khiến tốc độ giao dịch chậm lại, bởi tín chỉ loại này vốn mất nhiều thời gian để tạo và xác lập, xét tốc độ phát triển của cây.

Theo Thỏa thuận Paris, các tín chỉ carbon được giao dịch phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt để đảm bảo tính toàn vẹn môi trường, có thể đo lường, tính không trùng lặp và đóng góp vào việc giảm phát thải toàn cầu. Quy trình tạo tín chỉ carbon từ lập dự án, thẩm định, đăng ký, giám sát và kiểm chứng đến khi phát hành mất 2-3 năm.

Trả lời trước Quốc hội đầu tháng 3, Thứ trưởng Công Thương Tan See Leng kỳ vọng có thể mua được tín chỉ carbon đầu tiên vào 2025. Tổng lượng khí thải của Singapore vào năm 2028 sẽ đạt mức cao nhất là 64,43 triệu tCO2e, sẽ giảm xuống còn 61,92 triệu tCO2e khi sử dụng tín chỉ carbon. Đến năm 2030, mục tiêu khí thải với kịch bản sử dụng tín chỉ carbon là 60 triệu tCO2e, tiến tới giảm dần về 0 năm 2050.

Bên cạnh đó, ông Tan cho biết sẽ đẩy mạnh các giải pháp công nghệ và năng lượng, đồng thời nhanh chóng thương mại hóa các dự án từ phòng nghiên cứu. Chính phủ cam kết chi 62,5 triệu USD để phát triển một cơ sở thử nghiệm, cho phép các công ty chạy thử các dự án nghiên cứu giảm thải. Dù thừa nhận vai trò của tín chỉ carbon trên lộ trình Net Zero, Thứ trưởng Công thương Singapore khẳng định đây sẽ là giải pháp cuối cùng sau các nỗ lực khác nhằm đạt mục tiêu khí hậu.

Bảo Bảo (theo Straits Times, Carbon Credits)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022