Ngày 12/8, hãng nghiên cứu vấn đề về bất bình đẳng kinh tế High Pay Centre (Anh) công bố báo cáo về thu nhập của CEO các công ty trong chỉ số FTSE 100. Chỉ số này gồm 100 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán London.
Theo đó, bình quân thu nhập của các lãnh đạo doanh nghiệp tại Anh là 4,19 triệu bảng (5,34 triệu USD) năm 2023. Đây là mức cao kỷ lục, tăng 2,2% so với năm trước đó. Trong khi đó, mức trả bình quân của người lao động khoảng 34.963 bảng một năm. Như vậy, thu nhập các CEO tại Anh gấp gần 120 lần so với nhân viên.
Số công ty trả hơn 10 triệu bảng cho CEO cũng tăng gấp đôi, từ 4 doanh nghiệp năm 2022 lên 9 vào năm ngoái. Báo cáo cho biết người có thu nhập cao nhất là Pascal Soriot - CEO hãng dược phẩm AstraZeneca, với 16,85 triệu bảng. Đây là năm thứ hai liên tiếp ông giữ vị trí này. Năm 2022, ông nhận 15,3 triệu bảng - cao gấp 482 lần nhân viên bình thường.
CEO hãng dược phẩm AstraZeneca Pascal Soriot. Ảnh: Reuters
Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều doanh nghiệp chi mạnh tay cho lãnh đạo khiến việc tăng lương trên diện rộng càng khó khăn. Năm nay, các bác sĩ gia đình và lái tàu hỏa tại Anh đã biểu tình để phản đối điều kiện làm việc, thu nhập.
Vài năm qua, vấn đề thu nhập của các giám đốc doanh nghiệp khiến cổ đông giận dữ. Phần lớn họ chỉ trích về chênh lệch quá lớn giữa thu nhập của nhân viên và lãnh đạo. Dù vậy, một số quỹ đầu tư kêu gọi cổ đông linh hoạt hơn về vấn đề này, để ngăn chảy máu chất xám sang các nước ít quan tâm đến thu nhập.
Không chỉ tại Anh, vấn đề chênh lệnh thu nhập cũng gây tranh cãi ở Mỹ. Hồi tháng 6, hãng nghiên cứu Equilar và hãng thông tấn AP (Mỹ) công bố nghiên cứu thường niên về thu nhập của CEO các công ty thuộc chỉ số S&P 500 (500 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Mỹ).
Theo đó, lương thưởng trung bình của các CEO năm ngoái cao gấp 196 lần nhân viên, với 16,3 triệu USD. Người có mức cao nhất là CEO công ty bán dẫn Broadcom Hock Tan, gần 162 triệu USD. Con số này gấp 510 lần thu nhập bình quân của nhân viên Broadcom. Báo cáo này được cho là có thể khiến nhiều người lao động nổi giận, khi lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao vài năm qua.
Hà Thu (theo Reuters)