Ngay cả khi bầu không khí địa chính trị căng thẳng một số nơi, nền kinh tế thế giới vẫn hân hoan. Chỉ cách đây một năm, mọi người nghĩ rằng lãi suất cao sẽ sớm dẫn đến suy thoái. Nhưng giờ cả những người lạc quan cũng bối rối vì điều đó không xảy ra. Ngược lại, kinh tế Mỹ bùng nổ trong quý III. Trên khắp thế giới, lạm phát đang giảm, tỷ lệ thất nghiệp hầu như vẫn thấp và các ngân hàng trung ương lớn phát tín hiệu dừng tăng lãi.

Tuy nhiên, Economist cho rằng niềm vui không thể kéo dài. Nền tảng cho sự tăng trưởng ngày nay dường như không ổn định, với nhiều đe dọa ở phía trước.

Đầu tiên, chính sự mạnh mẽ của nền kinh tế khiến nhiều người tin rằng lãi suất dù không còn tăng nhanh nhưng sẽ không giảm nhiều. Trong tuần qua, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) hành động tương tự.

Lợi suất trái phiếu dài hạn theo đó tăng mạnh. Chính phủ Mỹ hiện phải trả 5% cho trái phiếu 30 năm, tăng từ mức chỉ 1,2% hồi đại dịch. Ngay cả những nền kinh tế nổi tiếng với lãi suất thấp cũng thay đổi. Cách đây không lâu, chi phí đi vay của Đức ở mức âm nhưng giờ lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm gần 3%. Ngân hàng trung ương Nhật Bản gần như không còn giữ mức lãi 1% cho kỳ hạn vay 10 năm.

Một số người, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng lãi suất cao hơn này là điều tốt, phản ánh nền kinh tế thế giới đang ở trạng thái mạnh mẽ. Nhưng Economist không nghĩ vậy và cho đó là nguy hiểm vì lãi suất cao kéo dài sẽ khiến các chính sách kinh tế hiện hành thất bại và đà tăng trưởng đứt gãy.

fed1-2023-11-03t150338-996-169-2155-8745-1698998909.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FaHo0PAgopCTgVf3ESjQtg

Một nhân viên giao dịch trên sàn New York ngày 13/9/2022. Ảnh: Reuters

Để biết tại sao những điều kiện thuận lợi ngày nay không thể tiếp tục, hãy xem xét lý do kinh tế Mỹ vừa qua tốt hơn mong đợi. Người dân đã dùng số tiền mà họ tích lũy được trong thời kỳ đại dịch và dự kiến sớm cạn kiệt. Dữ liệu gần đây cho thấy các hộ gia đình còn 1.000 tỷ USD, với khả năng tiết kiệm ít nhất kể từ 2010.

Khi tiền tiết kiệm vơi dần thì lãi suất cao bắt đầu ảnh hưởng, buộc người tiêu dùng phải chi xài ít hơn. Ở châu Âu và châu Mỹ, tình trạng phá sản đang gia tăng, ngay cả với những công ty phát hành trái phiếu dài hạn để có lãi suất thấp.

Giá nhà sẽ giảm - nhất là khi đã điều chỉnh theo lạm phát - khi lãi vay mua nhà cao hơn. Các ngân hàng nắm giữ chứng khoán dài hạn – được hỗ trợ bởi các khoản vay ngắn hạn, bao gồm cả từ Fed – sẽ phải huy động vốn hoặc sáp nhập để bịt lỗ hổng trong bảng cân đối kế toán của họ do lãi suất cao hơn.

Thứ hai, chi tiêu ngân sách quá mức đã giúp các nước phục hồi và tăng trưởng nhanh thời gian qua nhưng trông không bền vững nếu lãi suất cứ vẫn cao. Theo IMF, Anh, Pháp, Italy và Nhật Bản đều có khả năng chạy thâm hụt ngân sách khoảng 5% của GDP vào 2023.

Trong 12 tháng đến tháng 9, thâm hụt ngân sách của Mỹ là 2.000 tỷ USD, tương đương 7,5% GDP. Trong bối cảnh thất nghiệp thấp, việc vay mượn như vậy là kém thận trọng. Nợ công trong các nước giàu tính trên tỷ trọng GDP đang cao nhất kể từ chiến tranh Napoléon (1803-1815).

Khi lãi suất thấp, những khoản nợ cao ngất ngưởng cũng có thể xoay xở được. Giờ lãi suất đã tăng nên khối nợ công đang làm cạn kiệt ngân sách. Do đó, lãi suất cao trong thời gian dài có nguy cơ khiến các chính phủ phải xung đột với các ngân hàng trung ương. Ở Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh sẽ không bao giờ cắt giảm lãi suất vì lý do giảm bớt áp lực lên ngân sách chính phủ.

Bất kể ông Powell nói gì, lãi suất cao kéo dài sẽ khiến giới đầu tư đặt câu hỏi về các cam kết của chính phủ về việc duy trì lạm phát ở mức thấp và việc trả nợ của họ. Các khoản nợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu trở nên không cân đối. Ngay cả khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản ở mức thấp 0,8% vào năm ngoái thì 8% ngân sách ngân sách vẫn phải trả lãi.

Nếu áp lực gia tăng, một số chính phủ sẽ thắt lưng buộc bụng, dẫn đến tổn thất kinh tế. Có khả năng rằng thời kỳ với lãi suất cao kéo dài sẽ tự kết liệu nó bằng cách gây ra suy yếu kinh tế, buộc các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất mà không khiến lạm phát tăng mạnh.

Một kịch bản sáng sủa hơn là tăng trưởng năng suất tăng vọt, có lẽ nhờ vào trí tuệ nhân tạo sáng tạo (AI). Kết quả là doanh thu và lợi nhuận tăng, giúp các công ty chấp nhận được mức lãi cao. Tiềm năng của AI trong việc tăng năng suất có thể giải thích tại sao cho đến nay thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tốt. Đằng sau nó là nhờ vốn hóa của 7 gã khổng lồ công nghệ tăng liên tục thời gian qua. Nếu không, S&P 500 có lẽ đã giảm trong năm nay.

Tuy nhiên, trái ngược với hy vọng đó là một thế giới bị rình rập bởi các mối đe dọa với tăng trưởng năng suất. Ông Donald Trump thề sẽ áp dụng các mức thuế mới nếu ông trở lại Nhà Trắng. Các chính phủ đang ngày càng bóp méo thị trường bằng chính sách công nghiệp phi toàn cầu hóa.

Ngoài ra, gánh nặng ngân sách ngày càng tăng khi dân số già đi, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và các cuộc xung đột trên khắp thế giới đòi hỏi phải chi tiêu công nhiều hơn. Với tất cả những điều này, Economist cho rằng bất kỳ ai đặt cược rằng kinh tế thế giới có thể tiếp tục phát triển đều đang chơi một canh bạc lớn.

Phiên An (theo The Economist)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022