Nếu bạn cảm thấy các mục tiêu tài chính của bản thân đang ngoài tầm với, hãy bình tĩnh. Bạn không nhất thiết phải có nhiều tiền hơn để cảm thấy giàu có. Thay vào đó, theo Dan Ariely - nhà kinh tế học hành vi tại ứng dụng tài chính cá nhân Qapital kiêm giảng viên Đại học Duke (Mỹ), bạn cần xem xét kỹ hơn về thói quen chi tiêu của mình, để càm thấy khá giả hơn.
"Về cơ bản, chúng ta là những sinh vật của thói quen. Rất nhiều điều chúng ta làm là bởi vì đã từng thực hiện nó trước đây", Ariely nói. Do đó, bằng cách bước ra khỏi vùng mà bạn chi tiêu không rõ ràng và cắt giảm các thói quen tích lũy qua thời gian, bạn có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho trạng thái tài chính của mình. Vị chuyên gia gợi ý 2 cách để kiểm tra thói quen nào cần giữ và thói quen nào nên thay đổi.
Chuyên gia kinh tế học hành vi Dan Ariely. Ảnh: Mary R |
Lập kế hoạch chi tiêu thường xuyên
Hãy nghĩ về những khoản chi tiêu lớn định kỳ, ví dụ tiền trả nợ vay hay học phí hàng năm cho con. Bạn có thể đã không luôn dành đủ quan tâm cho nó. Bởi vì, bạn còn có những chi tiêu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm khác cần phải lên kế hoạch. Tất cả chi tiêu này khiến bạn sợ hãi.
Chú ý rằng, nếu chỉ nhìn vào số dư tài khoản thì nó có thể mang đến trạng thái hiểu nhầm và hậu quả là bạn sẽ lạm chi vì cảm giác đó.
Ví dụ, hai người có cùng thu nhập và chi tiêu lớn định kỳ cần trả. Người thứ nhất trả vào đầu tháng còn người thứ hai trả vào ngày 20 của tháng. Người thứ hai sẽ dễ có cảm giác là mình giàu có vào 19 ngày đầu. Hậu quả là họ có thể phóng tay vào 19 ngày đó, khi chưa trả nợ.
Có một cách để tránh điều này là thanh toán các hóa đơn, nợ nần ngay khi bạn có tiền. Hoặc cách khác, thiết lập một tài khoản riêng cho những chi tiêu lớn định kỳ này. Phương pháp trên sẽ giúp bạn hiểu tốt hơn bạn thực sự có bao nhiêu tiền để không bội chi.
Đánh giá lại các chi tiêu
Bạn hẳn đã từng nghe về sự cần thiết phải tạo ngân sách cho từng mục tiêu khác nhau. Nhưng điều đó sẽ là một nỗ lực khó khăn. Ví dụ, tiền đi uống cà phê là khoản riêng và tiền đi siêu thị sẽ là khoản riêng.
Tuy nhiên, bạn nên gộp các mục tiêu chi tiêu nhỏ lại với nhau. Đơn cử như gộp chi phí đi ăn ngoài với quỹ dành cho du lịch. Bằng cách này, bạn sẽ theo dõi các mục tiêu cạnh tranh với nhau ra sao.
"Bây giờ, tôi sẽ hiểu tiền của mình đến từ đâu. Nếu tôi ăn ngoài nhiều hơn có nghĩa là tôi cắt xén từ tiền dành cho du lịch nhiều hơn", Ariely nói.
Đồng thời, hãy nhận ra khoản chi tiêu nào bạn thấy hối tiếc nhất. Nếu bạn đi ăn ngoài quá nhiều, hãy thử ăn ở một nhà hàng rẻ hơn. Bạn cũng có thể sử dụng thẻ ghi nợ. Nạp một số tiền nhất định vào thẻ mỗi thứ hai và buộc mình chi tiêu trong số đó trong suốt tuần.
Phiên An (theo CNBC)