Quả sung nhập từ Nhật về Việt Nam gần đây tạo cơn sốt dù được bán với giá vài triệu đồng. Một số cửa hàng đựng trong các hộp nhỏ có trọng lượng khoảng 300 g, mỗi hộp giá từ 400.000 đến 550.000 đồng. Tính ra, mỗi kg sung lên đến 1,5 triệu đồng.
Trong khi đó, quả sung Việt Nam được bán với giá chỉ 10.000-15.000 đồng một kg. Thậm chí, nhiều gia đình có vài ba cây sung trồng chỉ làm cảnh, trái rụng đầy sân mà không có người hỏi mua. Ngay những trái sung giống Mỹ được trồng tại Đồng Nai khá được chuộng nhưng giá cũng chỉ 300.000-400.000 đồng một kg.
Sung Nhật là trái cây bán khá chạy. |
Một cửa hàng hoa quả ở quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết chỉ nhập thử nghiệm khoảng 2 thùng sung Nhật nhưng chỉ trong một tuần đã hết hàng. "Trước đó, sung Mỹ vốn được chuộng nên khi phát hiện tại Nhật có sản phẩm này, chúng tôi liền xách tay về để thăm dò thị trường", chị Hạnh - chủ cửa hàng nói.
Tại cửa hàng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), sản phẩm này được rao bán với giá 2 triệu đồng một kg. Nhân viên ở đây cho biết, mỗi lần cửa hàng nhập về chỉ khoảng 7-10 kg nhưng chỉ trong 4 ngày là hết.
"Không chỉ có hình dáng bắt mắt, quả đều, mà sung Nhật còn ngọt, mềm, thơm hơn hẳn hàng trong nước. Quả chín có thể bóc vỏ hoặc ăn luôn tùy thích, chỉ cần bảo quản tủ mát như hoa quả thông thường", nhân viên cửa hàng này nói.
Mỗi hộp sung nặng khoảng 300 gram. |
Về mùi vị, nhiều khách hàng cho biết sung Nhật cũng không khác nhiều so với hàng Việt và Mỹ. Thế nhưng, hàng Nhật được đóng gói bắt mắt, lại kiểm dịch chặt nên vẫn được nhiều người chọn mua.
Khảo sát trên các website bán hàng tại Nhật, giá sung thường được bán theo hộp loại 300 gram. Một thùng gồm 4 hộp có giá quanh mức 43-48 USD, tức mỗi hộp có giá khoảng 260.000 đồng. Như vậy, một kg bán tại Nhật đang ở mức 800.000 -1 triệu đồng một kg.
Là người trồng vài ha sung giống Mỹ tại Đồng Nai, ông Nguyễn Hồng Đăng Khoa, Giám đốc Công ty Trí Nguyễn cho biết, trên thực tế, giá trị dinh dưỡng của sung Nhật, Mỹ và Việt có nhiều điểm tương đồng.
Tuy nhiên, giá sung Nhật trở nên đắt đỏ một phần vì nguồn cung ít trong khi nhu cầu cao. Mặt khác, người Nhật thường canh tác trái cây theo hướng hữu cơ, lại biết cách marketing nên giá trị được nâng cao, thậm chí có những loại trái cây Nhật chọn lọc được đấu giá với mức gấp nhiều lần giá trị thực.
Trong khi đó, theo ông Đăng Khoa, hàng Việt có chất lượng không thua kém nhưng chưa biết cách marketing, chưa có những phiên đấu giá để nâng cao giá trị hàng hóa nên giá bán còn thấp.
Hồng Châu