Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng ít nhất 8%, tạo đà cho những năm tiếp theo tăng trưởng kinh tế hai chữ số (trên 10%).

Tại Nghị quyết 25 ngày 5/2, Chính phủ giao tổng sản phẩm địa phương (GRDP) phải từ 8% trở lên. Trong đó, khoảng hai phần ba có tốc độ tăng trưởng hai chữ số, như Bắc Giang (13,6%), Thanh Hóa (11%), Đà Nẵng (10%), Quảng Ninh (12%)...

Hà Nội và TP HCM - hai đầu tàu kinh tế của cả nước - lần lượt được giao mức tăng 8% và 8,5%. Mức này tăng tương ứng 1,46 và 1,33 điểm phần trăm so với GRDP của hai thành phố này năm ngoái.

Ba địa phương khác trong nhóm 5 tỉnh thành có quy mô kinh tế lớn nhất nước phải tăng trưởng trên 10% năm nay, gồm Hải Phòng (12,5%), Đồng Nai (10%), Bình Dương (10,2%).

Chính phủ cũng giao bổ sung một số chỉ tiêu phát triển ngành, lĩnh vực về sản xuất công nghiệp, du lịch, tiêu dùng gắn với trách nhiệm của các bộ ngành. Theo đó, Bộ Tài chính phải đưa tỷ trọng chi thường xuyên trên tổng chi ngân sách Nhà nước xuống 60%, tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 31%.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đảm bảo tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ở mức 33,5% GDP. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về một số chỉ tiêu như tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 12%, thặng dư thương mại 30 tỷ USD, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%...

Năm nay, Chính phủ cũng đặt mục tiêu thu hút 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa. Chỉ tiêu này được giao cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, một trong những động lực chính giúp tăng trưởng kinh tế.

"Các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kịch bản tăng trưởng theo tháng, quý và đôn đốc thực hiện để đạt mục tiêu", Nghị quyết của Chính phủ nêu.

TP-HCM-t10-2024-Quynh-Tran-173-2538-2809-1738811456.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bQi5Czj4fPsqA8gTasnoIA

Một góc TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Thực tế, mục tiêu GDP tăng 8% năm nay được đánh giá là rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực và cải cách về thể chế, chính sách. Song, việc đạt tốc độ tăng trưởng cao giúp Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào 2045.

Đầu tư công vẫn là một động lực chính giúp đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay và giai đoạn tới. Tháng đầu năm nay, giải ngân vốn công đạt 35.400 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 2025 có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, vào giai đoạn nước rút hoàn thành như cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3-TP HCM, Vành đai 4-Hà Nội... được kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới cho vùng, địa phương.

Ngoài ra, cải cách thể chế vẫn được nhà điều hành xác định là "đột phá của đột phá". Do đó, theo ông Dũng, điểm nghẽn tồn tại từ lâu chưa được giải quyết, gồm vướng mắc với các dự án, sẽ được tháo gỡ.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022