Nhóm chuyên gia của Nền tảng tài chính bền vững đưa ra đề xuất trên ngày 5/2, trước cuộc đánh giá về các quy tắc bền vững trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch cắt giảm loạt thủ tục hành chính xanh.
Quy tắc phân loại xanh (Taxonomy) được EU thông qua năm 2020, nhằm xác định thực thể nào của nền kinh tế được xem là bền vững. Theo đó, các công ty phải công bố khoản đầu tư, cho vay, chuỗi cung ứng và một phần hoạt động kinh doanh của họ.
![eu-1738809385-6585-1738809622.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=etRWsQFsqxDnGXPOCkT91A](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/06/eu-1738809385-6585-1738809622.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=etRWsQFsqxDnGXPOCkT91A)
Công nhân điều chỉnh cờ bên ngoài trụ sở Liên minh châu Âu, tại Brussels. Ảnh: AP
Nền tảng tài chính bền vững EU là đơn vị được giao nhiệm vụ đơn giản hóa và cải thiện quy tắc Phân loại xanh. Nhóm cố vấn cho biết sẽ yêu cầu lượng thông tin ít hơn và sử dụng phương thức đo đạc linh hoạt. Bên cạnh đó, họ đề xuất các quy định tạo thuận lợi cho ngân hàng, nhà đầu tư trong thực hiện báo cáo về tỷ lệ tài sản xanh và tuân thủ tiêu chí "không gây hại đáng kể". Việc này để chứng minh khoản đầu tư hoặc hoạt động xanh không gây hại cho các mục tiêu môi trường.
Phân loại Xanh là một trong ba quy định quan trọng của EU nhằm đáp ứng cam kết của Thỏa thuận khí hậu Paris, đưa phát thải của khối này về 0 vào năm 2050 (Net Zero). Hai quy định còn lại là Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững (CSRD) và Chỉ thị thẩm định phát triển bền vững của doanh nghiệp (CS3D) cũng được xem xét cắt giảm.
EU chịu áp lực khi các quốc gia thành viên như Pháp mong muốn đơn giản hóa quy tắc hoạt động kinh doanh. Khối doanh nghiệp cũng phàn nàn các quy định này phức tạp, làm giảm khả năng cạnh tranh của châu Âu trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi các quy định "cởi trói" cho doanh nghiệp.
Việc cắt giảm các thủ tục hành chính xanh được coi là một nỗ lực đơn giản hóa "chưa từng có" của EU, có thể định hình lại bối cảnh quốc tế cho các báo cáo bền vững, theo đánh giá của Forbes.
Bảo Bảo (theo Reuters, Politico)