Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự kiến hoàn thành trong 5 năm. Trong đó, nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) lần lượt làm chủ đầu tư hai nhà máy này.

Ngoài dự án ở Ninh Thuận dự kiến theo quy mô tập trung, Việt Nam sẽ phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước, theo chia sẻ của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp tham vấn ý kiến đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, ngày 12/2.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết quy hoạch điều chỉnh lần này sẽ xác định ít nhất 3 trong 8 địa điểm được quy hoạch có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến 2030, gồm cả Ninh Thuận.

z6311529800152-be3739fb7aad783-2622-3899-1739373937.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kARnaPCs4fwnpFVGk9VTrA

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp về Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, ngày 12/2. Ảnh: Bộ Công Thương

Ngoài mô hình truyền thống với công suất lớn, công nghệ hạt nhân gần đây phát triển loại lò phản ứng module cỡ nhỏ và vừa (SMR). Loại này có kích thước chỉ bằng một phần mười lò phản ứng tiêu chuẩn, nên dễ xây dựng và suất đầu tư phù hợp. Ước tính chi phí đầu tư mỗi MW theo lò SMR dao động 7.000-12.000 USD, tức 2,1-3,6 tỷ USD cho một nhà máy 300 MW. Thời gian xây dựng các nhà máy loại này khoảng 2-3 năm. Trong khi chi phí xây dựng một nhà máy tiêu chuẩn khoảng 6-9 tỷ USD, cần trên dưới 5 năm, thậm chí có dự án hơn 10 năm.

Nguồn điện hạt nhân (kể cả điện hạt nhân quy mô nhỏ SMR) đều phải đặt ở những vị trí có tiềm năng do đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn, địa chất khu vực và vấn đề chôn cất chất thải hạt nhân.

Tại dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương cho biết giới hạn tiềm năng phát triển điện hạt nhân có thể xem xét xây dựng tại 3 vùng, gồm Nam Trung Bộ (khoảng 25-30 GW), Trung Trung Bộ (khoảng 10 GW) và Bắc Trung Bộ (khoảng 4-5 GW).

Trong đó, 8 vị trí có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Các vị trí này nằm ở 5 tỉnh, theo Quyết định 906 ngày 17/6/2010 của Thủ tướng về Quy hoạch định hướng phát triển điện hạt nhân. Trong đó, mỗi vị trí có tiềm năng phát triển khoảng 4-6 GW nguồn điện hạt nhân.

8 địa điểm, gồm 3 vị trí ở Ninh Thuận, 2 ở Quảng Ngãi, 3 chỗ còn lại ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh.

Trong đó, hai địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải (Ninh Thuận) có công bố quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hai địa điểm ở Quảng Ngãi, 1 ở Bình Định cũng được xem xét là địa điểm tiềm năng phát triển 4 tổ máy điện hạt nhân quy mô lớn. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, do không có quy hoạch được công bố, nên sau 10 năm, các địa điểm này cần rà soát, đánh giá lại.

Bộ này tính toán tới năm 2050, Việt Nam sẽ xuất hiện thêm 5 GW điện hạt nhân tại Bắc Trung Bộ, ngoài 4.800 MW nguồn điện hạt nhân đã cam kết tại Ninh Thuận. Ngoài ra, nguồn năng lượng từ nhà máy điện turbin khí chu trình hỗn hợp và khí hóa lỏng (LNG) sẽ có thêm khoảng 8,4 GW. Các nguồn điện gió, điện mặt trời và pin lưu trữ tiếp tục tăng cao so với Quy hoạch điện VIII hiện tại.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay và hai chữ số trong các năm tiếp theo. Tức là, nhu cầu tăng trưởng điện mỗi năm khoảng 12-14%. Để đạt mục tiêu này, quy mô công suất nguồn điện đến 2030 của Việt Nam phải phát triển gấp 2,5-3 lần hiện tại, tiến tới quy mô gấp 5-7 lần vào 2050, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Góp ý về dự thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lưu ý nhà điều hành cần tính toán phương án dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ, thay vì dự phòng chung toàn quốc. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ nhu cầu điện cho giao thông xanh, nhất là đường sắt cao tốc Bắc - Nam và hệ thống Metro.

Chiến lược phát triển năng lượng, phân bổ đầu tư cần cân bằng giữa các khu vực, không để miền Bắc thiếu điện, miền Trung lại thừa. "Nên tận dụng tiềm năng điện mặt trời ở miền Bắc, chẳng hạn như Đức có 96.000 MW năng lượng loại này với chỉ 900 giờ nắng mỗi năm, trong khi miền Bắc Việt Nam có tới 1.200 giờ", ông Tuấn nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cho rằng cơ quan soạn thảo cần đánh giá sự chênh lệch giữa các vùng trong dự báo nhu cầu điện. Theo ông, có khu vực đạt mức 101% so với dự báo, một số vùng lại chỉ đạt dưới 80%, do đó, phải phân tích kỹ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.

Hiện, miền Bắc và miền Nam vẫn là hai trung tâm kinh tế chủ yếu, trong khi miền Trung - dù sở hữu nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo - lại chưa được khai thác đúng mức. Do vậy, ông Ngô Tuấn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, đề xuất nghiên cứu một kịch bản phát triển kinh tế miền Trung. Việc này để giảm bớt áp lực truyền tải điện ra Bắc và Nam, giảm rủi ro thiên tai với hệ thống truyền tải, tận dụng tối đa nguồn năng lượng sẵn có tại chỗ.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022