Yêu cầu này được Bộ đưa ra khi giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, vượt ngưỡng 100 USD một thùng và có xu hướng đi lên trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt và kỳ vọng nhu cầu tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - tăng. Dự trữ xăng dầu ở nhiều nước đang giảm và nhu cầu nhập khẩu tăng cao.

Giá thế giới tăng cao khiến chi phí nhập của doanh nghiệp đầu mối tăng, chiết khấu - mức hoa hồng họ cắt lại cho doanh nghiệp phân phối, bán lẻ - xu hướng giảm. So với giữa và cuối tháng 2, mức chiết khấu dành cho các đơn vị bán lẻ đã giảm gần một nửa.

Chẳng hạn, chiết khấu lấy hàng tại kho khu vực phía Bắc ngày 5/3 dao động 800-850 đồng một lít, dầu diesel 450 đồng. Chiết khấu giảm gần một nửa sau hai ngày, về 400-500 đồng với mỗi lít xăng; dầu 250-350 đồng. Tại phía Nam, chiết khấu "nhỉnh" hơn khoảng 100-200 đồng mỗi lít, tùy loại nhiên liệu.

Với mức này, sau khi trừ chi phí vận chuyển, nhân công, hao hụt, các đơn vị bán lẻ cho biết họ lại đang chịu lỗ trên mỗi lít xăng, dầu bán ra. Vì thế, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, phân phối điều chỉnh chiết khấu một cách hợp lý, để đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh.

Chiết khấu không đủ bù đắp chi phí kinh doanh khiến khâu bán lẻ chịu lỗ hơn một năm qua, cũng là câu chuyện gây tranh cãi kéo dài. Tại nhiều cuộc họp góp ý sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị cần quy định chiết khấu tối thiểu trong giá cơ sở, tỷ lệ 5-6% để họ đủ chi phí, duy trì kinh doanh.

xang-dau-Quynh-Tran2-5453-1678243410.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7DVGBHh05w_en6wStrfFAQ

Người dân đổ nhiên liệu tại một cây xăng tại TP Thủ Đức (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Năm ngoái ít nhất 3 lần thị trường bất ổn, đứt gãy nguồn cung. Tránh lặp lại tình trạng này khi giá thế giới rung lắc, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp đầu mối ngoài lấy hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước, phải nhập đúng kế hoạch được giao từ đầu năm và lượng giao bổ sung ngày 24/2. Số liệu hàng nhập, xuất bán phải được công khai, báo cáo về Bộ trước ngày 20 hàng tháng.

Theo quy định Nghị định 95, đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông 20 ngày và thương nhân phân phối là 5 ngày. Nếu thiếu nguồn cung do cắt giảm sản lượng từ sản xuất trong nước, các thương nhân phân phối chủ động đàm phán, liên hệ với các đầu mối được giao nhập khẩu để bù đắp, bổ sung.

Trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu hàng để bán, thương nhân cấp hàng chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định. "Nếu cơ quan chức năng phát hiện hành vi đầu cơ, găm hàng tại bất cứ doanh nghiệp nào, cơ quan đó sẽ bị kiểm tra, xem xét, xử lý", Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Về điều hành giá, cơ quan này cho biết sẽ bám sát giá thế giới, trường hợp có bất thường sẽ cùng Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng thời điểm điều hành phù hợp.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước qua 6 kỳ điều hành, với 4 lần tăng và 2 lần giảm. Hiện mỗi lít xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) là 23.320 đồng, tương đương ngưỡng giá tháng 9/2022.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022