nCoV đã lây lan hàng chục quốc gia và khiến hơn 3.000 người tử vong. Cuộc khủng hoảng sức khỏe này cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các công ty, giúp họ xem xét cẩn thận các chiến lược, chính sách và quy trình để bảo vệ nhân viên, khách hàng trong hiện tại lẫn tương lai. Dưới đây là 8 câu hỏi mà các công ty nên tự vấn khi nghĩ đến kế hoạch ứng phó với Covid-19, theo gợi ý từ Harvard Business Review.

Làm sao bảo vệ nhân viên tốt nhất ở nơi làm việc?

gasaigon-20-1583407847-2302-1583408324.jpg

Dung dịch rửa tay được trang bị tại Ga Sài Gòn. Ảnh: Quỳnh Trần

Cuộc khảo sát của Willis Towers Watson vừa hoàn thành với 158 nhà tuyển dụng trên toàn cầu, với hơn một nửa là các công ty đa quốc gia, cho biết hầu hết đang thực hiện một loạt biện pháp bảo vệ nhân viên.

Cụ thể, gần 90% các công ty Trung Quốc được khảo sát đã tăng cung cấp chất khử trùng tay cho nhân viên. Hơn 80% đã tuyên truyền thông tin về dịch bệnh và cho người lao động làm việc tại nhà nếu có thể. Ở Bắc Mỹ, 70% công ty được hỏi đã hoặc đang có kế hoạch tăng cường thông tin. Hơn một nửa có hoặc có kế hoạch cung cấp chất khử trùng tay.

Khi nào nên cấm nhân viên và khách đến văn phòng?

Nhân viên nên ở nhà hoặc về nhà nếu họ có triệu chứng nhiễm bệnh. Nhưng những nhân viên tận tụy thường chống lại những ngày đau ốm. Họ vẫn cố gắng đi làm và mang nguy cơ lây bệnh cho đồng nghiệp. Vì vậy, trước mối đe dọa Covid-19, các nhà quản lý không nên ngần ngại cho các nhân viên có triệu chứng khả nghi ở nhà.

Tương tự, nhân viên hoặc khách đến văn phòng có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao nhiễm nCoV nên được tách biệt khỏi người khác và hỗ trợ đi chẩn đoán. Ví dụ, họ nên tránh đi đến nơi công cộng, dùng phương tiện giao thông công cộng. Lý tưởng nhất, nên tránh xa người khác 2 m, trừ khi đeo khẩu trang.

Chính sách phúc lợi ra sao khi nhân viên bị yêu cầu ở nhà?

Khả năng số nhân viên không thể làm việc sẽ tăng vì họ bị bệnh hoặc phải chăm sóc cho người khác. Điều này có nghĩa các công ty nên xem lại thời gian nghỉ và chính sách nghỉ ốm của họ ngay bây giờ. Các chính sách phải giúp nhân viên tự tin rằng họ sẽ không bị phạt và thoải mái ở nhà nếu có dấu hiệu nghi bệnh.

Hầu hết sẽ xem trường hợp của Covid-19 như bất kỳ bệnh nào khác, và chính sách nghỉ ốm sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, việc vắng mặt để cách ly có thể kéo dài hơn thời gian nghỉ ốm có sẵn. Khảo sát của Willis Towers Watson cho biết, hơn 90% người sử dụng lao động ở Trung Quốc đã trả lương cho công nhân và duy trì đầy đủ phúc lợi trong thời gian nghỉ.

Nhìn chung, các công ty nên ban hành các chính sách rõ ràng về chính sách nghỉ vì Covid-19 ngay bây giờ và trao đổi với nhân viên. Hầu hết sẽ muốn bảo vệ cho người lao động trong phạm vi khả thi về mặt tài chính.

Có nên đẩy mạnh làm việc từ xa?

pham0962-jpg-1583408098-9973-1583408325.jpg

Công nhân may khẩu trang trong một nhà máy ỏ Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Nhiều ngành như bán lẻ, sản xuất, chăm sóc sức khỏe thì đòi hỏi phải đi làm trực tiếp để xử lý công việc. Tuy nhiên, các cuộc họp của những ngành này và công việc của một số ngành khác có thể được tiến hành từ xa. Hội nghị truyền hình là một thay thế tốt cho các cuộc họp trực tiếp. Gần 60% nhà tuyển dụng trong khảo sát nói đã hoặc có kế hoạch cho nhân viên làm việc từ xa.

Thông tin về tình hình dịch bệnh với nhân viên ra sao?

Tin đồn và nỗi sợ hãi có thể lây lan nhanh như virus. Công ty phải có khả năng tiếp cận tất cả nhân viên, kể cả những người không ở nơi làm việc. Mục tiêu là hai phía có cập nhật thường xuyên về kiểm soát nhiễm trùng, các chính sách làm việc từ xa và tình huống mà nhân viên có thể bị loại trừ hoặc được phép trở lại nơi làm việc.

Các thông tin này phải được xem xét bởi đội phản ứng khẩn cấp của công ty và chúng phải được phối hợp cẩn thận để tránh các chính sách không nhất quán. Về kênh chuyển tải, rõ ràng các tổ chức phải duy trì thông tin liên lạc qua điện thoại, văn bản và email cho tất cả nhân viên. Công ty nên kiểm tra khả năng liên lạc trên toàn tổ chức theo định kỳ.

Có cần hủy bỏ các sự kiện, hội nghị theo kế hoạch?

Đã có nhiều sự kiện, hội nghị bị dời ngày hoặc hủy bỏ vì lo ngại Covid-19, đặc biệt là các sự kiện quốc tế. Do đó, tùy tình hình mỗi nơi và khuyến nghị của cơ quan y tế địa phương, công ty có thể cân nhắc việc tổ chức các sự kiện đã định hay không. Nếu vẫn tiến hành, nhà tổ chức nên cung cấp thông tin về hạn chế nguy cơ lây nhiễm tại sự kiện ra sao cho người tham dự.

Điều chỉnh chính sách đi công tác thế nào?

nhapcanhhuunghi-vnexpress4-158-1447-6589-1583408325.jpg

Quy trình kiểm tra y tế tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Giang Huy

65% các công ty được khảo sát hiện hạn chế đi lại ở châu Á. Hạn chế công tác của nhân viên từ các khu vực có dịch là phổ biến nhất. Cách này vừa để ngăn bệnh vừa ngăn mất năng suất do cách ly của cơ quan chức năng hay theo chính sách công ty, khi trở về từ vùng dịch. Hiện tại, ngoài việc tránh các chuyến đi không cần thiết đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Iran, doanh nghiệp có thể cập nhật thêm lưu ý về du lịch của cơ quan chức năng.

Đặc biệt, nhân viên không nên đi du lịch nếu cảm thấy không khỏe, vì họ có thể phải đối mặt với việc kiểm dịch khi bị sốt, ngay cả khi không có nguy cơ đáng kể về nhiễm nCoV.

Ai sẽ phụ trách các vấn đề liên quan đến Covid-19?

Trong khảo sát của Willis Towers Watson, 65% các công ty được khảo sát có nhân viên ở Trung Quốc đang đào tạo giám sát viên cho Covid-19. Trong khi đó, 34% công ty có nhân viên ở Bắc Mỹ cho biết đang tích cực đào tạo hoặc lên kế hoạch đào tạo giám sát viên.

Các giám sát viên nên có quyền tiếp cận thông tin phù hợp như kiểm soát nhiễm trùng và chính sách của công ty. Họ nên biết liên hệ với ai trong công ty để báo cáo phơi nhiễm. Các giám sát viên hoặc những người được chỉ định phụ trách Covid-19 trong công ty nên kịp thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương về bất kỳ nghi ngờ phơi nhiễm nào.

Tóm lại, lập kế hoạch cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe có thể giúp bảo vệ nhân viên, khách hàng và doanh nghiệp. Nhưng kế hoạch chỉ tốt khi được thực hiện.

Các công ty nên tận dụng thời cơ hiện tại để tối ưu hóa và thử nghiệm các kế hoạch của họ. Dù Covid-19 có trở thành đại dịch hay không, việc xây dựng năng lực ứng phó là vô giá vì những khủng hoảng sức khỏe như Covid-19 trong tương lai không phải sẽ còn xuất hiện hay không, mà là khi nào sẽ đến tiếp.

Phiên An (theo Harvard Business Review)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022