Theo lý giải của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, lễ cúng đêm Giao thừa (hay còn gọi là lễ Trừ tịch) được thực hiện với ý nghĩa tiễn đưa những điều xui xẻo của năm cũ và đón điều tốt đẹp trong năm mới.

Quan niệm từ xa xưa cho rằng, mỗi năm lại có các vị thần Hành binh, Hành khiển, Phán quan khác nhau được phái xuống để cai quản hạ giới. Cứ hết một năm, vị thần cũ sẽ bàn giao công việc cho vị thần mới. Chính vì vậy, cúng giao thừa được ngầm hiểu là lễ “tống cựu nghinh tân”, tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghênh đón những vị thần mới.

Do công việc thị sát rất vội vã nên các vị thần không kịp vào bên trong mà chỉ ghé lại trước cửa nhà. Cũng từ đó, người Việt thường chuẩn bị 2 mâm cỗ trong lễ cúng giao thừa: 1 đặt trên bàn thờ gia tiên, 1 đặt ở ngoài cửa chính.

photo-0-151865412108258209321.jpg
Mâm cúng ngoài trời không quá cầu kỳ. (Ảnh minh họa)

Mâm cúng ngoài trời không cần quá cầu kỳ bởi các vị thần chỉ có thể ăn vội vàng hoặc chứng giám tấm lòng thành của gia chủ rồi đi ngay. Các lễ vật gồm có: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã. Ngoài ra, mỗi gia đình cần chuẩn bị hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến cùng bình hương đặc trên hương án.

Mâm cúng giao thừa trong nhà đầy đủ hơn, bao gồm các món ăn mặn được chế biến trang nghiêm, tinh khiết. TS. Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Những lễ vật có trên mâm cúng sẽ tượng trưng cho kết quả làm ăn trong suốt 1 năm qua, cũng như thể hiện tấm lòng thành của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Tùy vào văn hóa từng vùng miền, từng khu vực mà mâm cỗ cúng có sự khác nhau ít nhiều”.

Ở miền Nam, mâm cỗ Giao thừa thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng: đĩa ngũ quả, hoa vạn thọ, hai cây nến, lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn. Nếu đầy đủ hơn thì gia chủ nên chế biến thêm thủ lợn luộc, gà luộc, xôi, bánh chưng, chè….

Ở miền Trung, mâm cỗ có cả bánh chưng, bánh tét và nhiều món ăn khác như: dưa món, giò lụa Huế, thịt đông, bát ninh măng khô, cá chiên hay đĩa ram… Ở một số nơi, người ta còn làm cả các món cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử, bánh răng bừa hay xà lách gân bò, chả tôm, nem lụi… để dâng lên tổ tiên ngày Tết.

photo-1-151865412108320054680.jpg
Các món ăn tùy thuộc vào văn hóa vùng miền và điều kiện của mỗi gia đình. (Ảnh minh họa)

Với người miền Bắc, mâm cỗ cúng Giao thừa cũng có các món ăn trong đời sống hàng ngày như bánh chưng, giò chả, đĩa xào, bát canh, … Những món ăn này không cần quá cầu kỳ, nhưng nhất thiết phải sạch và chỉ cần một chút để bày cho đẹp. Đặc biệt, mâm cúng không thể thiếu 1 con gà trống luộc.

Lý giải điều này, TS. Trần Hữu Sơn nói: “Trong huyền thoại, gà trống là con vật có thể gọi mặt trời lên. Trong khoảnh khắc quan trọng để chuyển giao năm cũ và năm mới, tiếng gà gáy cũng trở nên thiêng liêng, có ý nghĩa làm bừng lên ánh dương, mang đến sinh khí”.

Chuyên gia văn hóa khẳng định thêm: “Khi bày gà lên mâm cúng, cách tốt nhất là giữ nguyên các bộ phận của gà, bao gồm cả nội tạng và hai hòn ngọc. Có người cầu kỳ hơn thì cắm thêm bông hồng vào miệng gà với hy vọng mang may mắn, vận đỏ đến cho cả năm”.

Ngoài mâm lễ mặn, có nhà còn chuẩn bị thêm mâm lễ ngọt và chay gồm: hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt Tết…

“Thời khắc cúng giao thừa đúng nhất là giờ Tý (khoảng từ 23h đêm đến 1h sáng). Với những người ở chung cư, không nhất thiết phải chuẩn bị mâm cúng ngoài trời, hoặc có thể tận dụng ban công hay bất cứ khoảng trống nào để đặt ít đồ lễ”.

“Khi cúng Giao thừa trong nhà, tất cả các thành viên phải đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt và bình an”, TS Trần Hữu Sơn cho hay.

Theo Dân Trí

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022