Vừa nhận bàn giao căn hộ vào cuối năm 2017, chị Nguyễn ThuTrang (Hà Nội) đã gặp rắc rối với khu WC trông sáng bóng, đầy đủ đồ nhưng lại thoát nước kém:

Gia đình tôi mới tới ở căn hộ rộng 65 m2 ở ngoại thành Hà Nội. Đây là tổ ấm riêng đầu tiên của hai vợ chồng tôi sau gần chục năm đi thuê nhà ở thành phố. Tới ngày nhận bàn giao, tôi không ngủ được suốt đêm hôm trước, chỉ mong trời sáng mau để tới xem nhà.

Với khoản tiền hơn một tỷ đồng, căn hộ được hoàn thiện cơ bản, đã lát sàn, có thiết bị vệ sinh, tủ bếp. Dù việc sơn trát, ốp gạch hay tủ bếp còn một vài lỗi nhưng tôi nghĩ có thể bỏ qua.

Nhà tôi có 2 phòng ngủ có đủ ánh sáng tự nhiên, 2 phòng vệ sinh đều khá rộng rãi với đầy đủ thiết bị. Tôi cũng thử mở nước ở một số vòi, giật bồn cầu thì thấy nước xả mạnh.

photo-0-1517221330788482288949.jpg
Nhiều nhà vệ sinh chỉ có một cống thoát nước duy nhất. Ảnh minh hoạ: Archdesign.

Tuy nhiên, khi vào nhóm hoạt động của dân chung cư trên mạng xã hội, tôi thấy hàng xóm phàn nàn rất nhiều về khả năng thoát nước ở khu vệ sinh. Trong WC có buồng tắm đứng tách biệt với bồn cầu, bồn rửa. Giữa hai khu này có vách kính ngăn cách. Tuy nhiên, trên sàn chỉ có một cống thoát nước duy nhất bố trí ở khu tắm.

Khi các thành viên trong nhà dùng vòi hoa sen, tôi mới phát hiện nước bị chảy ngược từ chỗ tắm ra bên ngoài. Tôi nghĩ do vách kính có khoảng hở bên dưới nên nước chảy tràn ra. Bởi vậy, mỗi khi có người tắm xong, cả khu khô cũng bị lênh láng nước.

Tôi có đề xuất lên chủ đầu tư để tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, họ nói đây là thiết kế đồng bộ của cả tòa nhà với hàng trăm căn nên rất khó xử lý. Nếu là nhà riêng, gia chủ có thể xây kín khu tắm và làm thêm đường thoát nước cho khu bên ngoài.

Tôi muốn làm gờ phía dưới cửa kính để chặn nước từ khoang tắm tràn ra. Tuy nhiên, cách làm này lại làm nảy sinh một vấn đề khác. Khi dọn dẹp khu bên ngoài, tôi phải hạn chế sử dụng nước để lau chùi bồn cầu, gạch bởi ở đây không có chỗ thoát nước. Nếu nước chảy xuống sàn, không lẽ tôi lại dùng giẻ để thấm sạch?

Hiện tại, tôi vẫn chưa biết xử lý sao nên đành để nguyên trạng và dùng cây lau nhà thấm nước tràn cho sàn đỡ ẩm ướt.

photo-1-15172213307921429316246.jpg
Theo các kiến trúc sư, để thoát nước tốt, sàn WC cần làm dốc về phía cống. Gia chủ có thể làm rãnh thu nước ở một phía của nhà tắm để nước đổ về lỗ thoát.

Về tình trạng WC nhà chị Trang, KTS cho biết, lý do nước lênh láng chủ yếu do việc lát sàn chưa đúng kỹ thuật. Ở nhiều khu WC (nhất là phòng có diện tích nhỏ), kiến trúc sư cũng chỉ bố trí một cống nhưng không có tình trạng trên. Theo quy tắc, sàn phải có độ dốc xuôi về phía lỗ thoát. Nhờ đó, nước sẽ không bị chảy tràn sang các khu vực khác.

Bởi vậy, trong trường hợp này, chủ đầu tư từ chối khắc phục là chưa đúng. Bạn cần nhờ một người có chuyên môn bên ngoài tới kiểm tra lại thực trạng, đề nghị lát lại sàn theo đúng tiêu chuẩn.

KTS Truyền cũng cho biết thêm, ở nhiều nước, các WC dù rộng cũng chỉ có một đường thoát duy nhất nằm ở khu ướt. Khu khô (chỗ đặt bồn cầu, bồn rửa tay) không có cống, thậm chí còn được để thảm lót chân. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, chủ nhà nên làm tách bạch hai lỗ thoát nước riêng cho khu khô và khu ướt, đảm bảo thuận tiện hơn cho sinh hoạt hàng ngày.

Theo An Yên

VnExpress

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022