Du học tự túc
17 tuổi, vượt ra khỏi vùng an toàn, làm đủ nghề nơi đất khách để có tiền trang trải sinh hoạt và học phí, Thanh Nguyên đã được nhận làm thực tập sinh của Tập đoàn Amazon.
"Bố mẹ mình đã lấy số tiền dành dụm vốn định xây nhà, vay mượn thêm từ người quen để dồn cho mình đi du học với hy vọng về tương lai rộng mở", Thanh Nguyên xúc động kể.
Nhớ ngày đầu đặt chân đến Canada, cô bạn lúng túng gọi điện cho nhà trường để hẹn một buổi đánh giá năng lực nhưng trình bày lắp bắp bằng tiếng Anh. Khi nghe nhà trường phổ biến lịch thì nghe mãi không hiểu, Nguyên phải xin nghe lại gần một tiếng đồng hồ.
Nguyên nhớ lại: "Mấy ngày đầu đi đến lớp, các bạn xung quanh nói gì mình nghe cũng không hiểu, như "vịt nghe sấm". Khi tiếp xúc và giao tiếp lớp học dần dần mình quen hơn, mạnh dạn hơn.
Sau đó, mình xin đi làm tình nguyện viên ở nhà thờ và có cơ hội nói chuyện nhiều với các bác, các chị người bản xứ. Ngoài ra, khi đi làm thêm mình cũng tận dụng thời gian để tiếp xúc, nói chuyện nhiều với khách hàng. Từ đó, tiếng Anh của mình tốt lên, đủ có nền tảng để tự học IELTS xét tuyển vào đại học".
Đại học Waterloo nổi tiếng là ngôi trường "sáng tạo bậc nhất" tại Canada với trung tâm nghiên cứu hạt nhân, động cơ tiên tiến.Đầu năm 2019, Thanh Nguyên vui mừng khi được tin trúng tuyển vào Đại học Waterloo (Canada) chuyên ngành Toán tối ưu nhưng rất lo về khoản học phí tương đương hơn 550 triệu đồng mỗi kỳ.
Khoa toán học của trường là một trong những trung tâm nghiên cứu toán học lớn nhất thế giới chuyên đào tạo và nghiên cứu về toán học và khoa học máy điện toán.Chia sẻ về cách tiết kiệm chi phí và chi tiêu, Thanh Nguyên tiết lộ: "Nếu chỉ tập trung vào việc học, hạn chế những buổi party hay đi chơi thì sinh viên sẽ tiết kiệm được một khoản. Thêm vào đó, thay vì ở gần trường, mình chọn thuê nhà giá rẻ ở thành phố nhỏ cách xa trường. Mình tự nấu ăn và biết chỗ mua rau, thịt giá rẻ nên tiền ăn uống chỉ gần 3 triệu đồng/tháng".
Luôn biết cách chi tiêu tiết kiệm với phương châm "tiêu gì có lợi cho tương lai thì mới tiêu, không thì cắt bỏ", sau khi dùng tiền lương chi trả học phí và tiền ăn ở, Nguyên lấy số dư đó để cho vào quỹ khẩn cấp và một phần rất nhỏ vào đầu tư cổ phiếu.
Từ năm 2 đại học, cô bắt đầu tìm kiếm cơ hội làm việc và xin thực tập ở các công ty nhưng đã nhận tới 300 lời từ chối. Kiên trì gửi hồ sơ, đến năm 2021, cô bạn được nhận làm thực tập sinh trong vai trò nhà phát triển iOS tại Autotrader và đậu học bổng WWDC của Apple.
Tháng 12/2021, Nguyên vượt qua khoảng vài chục nghìn đơn ứng tuyển, là 1 trong 40 sinh viên được Linkedln (Microsoft) nhận làm thực tập sinh. Cùng thời điểm cuối năm 2021, cô được Tập đoàn Amazon nhận làm thực tập sinh giai đoạn tháng 5-8/2022.
Bí quyết chinh phục gã công nghệ khổng lồ
Theo Thanh Nguyên, mỗi ứng viên sẽ phải trải qua 4 vòng để có thể vượt qua 8.000 hồ sơ trước khi có thông báo trúng tuyển chính thức.
Vòng 1 (nộp hồ sơ): vòng này chỉ cần nộp hồ sơ qua website, khi các bạn được "mời" về thường sẽ được nhà tuyển dụng liên lạc và gửi link để nộp hồ sơ ứng tuyển vào công ty.
Vòng này là vòng khó nhất và nhà tuyển dụng không thể nào đọc hết vài triệu đơn ứng tuyển. Vậy nên mình phải chủ động gửi email/nhắn tin/nhờ người giới thiệu vào công ty thì khả năng được qua vòng đơn sẽ cao hơn.
Trong cả quá trình, khi xong vòng nào thì ứng viên trả lời email trong ngày, update thay đổi thường xuyên với nhà tuyển dụng và nên cảm ơn sau mỗi email.
Vòng 1.5 (bài kiểm tra online): gồm 2-3 bài tập lập trình thuật toán và phải giải trong vòng 1 giờ. Ở Amazon, ngoài lập trình thuật toán, còn một bài kiểm tra về khả năng làm việc với đồng nghiệp, bài kiểm tra mô phỏng một ngày làm việc của lập trình viên, gồm có họp, viết code, sửa code, nhận dự án, đọc và gửi email.
Ứng viên sẽ phải chọn trắc nghiệm và viết câu trả lời cho từng hoạt động. Khi làm bài kiểm tra online, cần lưu ý xét đến trường hợp đặc biệt trong thuật toán để đạt điểm tối đa.
Vòng 2 (phỏng vấn qua điện thoại với nhà tuyển dụng): Nhà tuyển dụng sẽ hỏi những câu giao tiếp cơ bản như học ở đâu, tại sao ứng tuyển vào công ty, muốn được làm gì khi được nhận... và hỏi xem mình có offer/deadline từ công ty nào khác không.
Vòng 3 (phỏng vấn với lập trình viên): Người phỏng vấn sẽ đưa ra 1-2 bài toán lập trình và ứng viên phải viết code, giải thích đáp án trong vòng một giờ. Vòng này đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp của ứng viên. Để qua vòng 3 thì phải chăm chỉ luyện tập thuật toán (nhà trường ít chú trọng việc này).
Từ vòng 2 đến vòng cuối (những vòng phỏng vấn), ứng viên nên thả lỏng. Hãy tâm niệm rằng người phỏng vấn là đồng nghiệp, họ muốn giúp mình hoàn thành phần thi. Khi được hỏi những kiến thức mới hoặc quên mất, cứ tự tin nhận rằng mình không biết/quên, sau đó hỏi lại người phỏng vấn để cho thấy mình ham học hỏi.
Vòng 4 (phỏng vấn với người quản lý): Vòng này người phỏng vấn sẽ hỏi về kinh nghiệm làm việc, thời điểm mà bạn gặp khó khăn mâu thuẫn trong nhóm... để xem khả năng làm việc nhóm của ứng viên.
Khi nói chuyện, nên nói chậm rãi và thoải mái, thể hiện mình là người dễ gần và thân thiện. Các câu hỏi thường có dạng "kể về một lần bạn gặp thất bại", "kể về một lần bạn tranh cãi với ai đó". Các ứng viên nên trả lời bằng cách kể chuyện: chuyện ở đâu, với ai, vấn đề là gì, giải quyết.
"Mình từng là một du học sinh nhận phải vô số lời từ chối xin việc nhưng không bỏ cuộc và vẫn quyết tâm "chinh phục" các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Và mình luôn cho đó là những thất bại ban đầu để tôi luyện nên ý chí, sự quyết tâm chinh phục", Nguyên nói.
Ảnh: NVCC