thinkstock-crop-1645242666994.jpeg

Bên cạnh những lợi ích, làm việc từ xa tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động (Ảnh: Getty Images/Thinkstock).

Đại dịch Covid-19 đã khiến hình thức "làm việc từ xa" trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Mặc dù hình thức này có thể mang lại sự thoải mái cho người lao động khi được làm việc trong chính không gian quen thuộc của mình song nó cũng gây ra những rủi ro nghiêm trọng liên quan tới các vấn đề về sức khỏe. Vậy cần phải làm gì để bảo vệ sức khỏe của bản thân khi làm việc từ xa?

Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chỉ ra những lợi ích và rủi ro liên quan tới các vấn đề về sức khỏe khi làm việc tại nhà, đồng thời cũng đưa ra một số biện pháp cần lưu ý để thích ứng với hình thức làm việc này.

Được và mất

Báo cáo của hai cơ quan Liên hợp quốc cho biết làm việc từ xa giúp cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tạo sự linh hoạt trong giờ giấc làm việc, giảm tắc đường, giảm ô nhiễm không khí,... Điều này có thể cải thiện sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất và phúc lợi xã hội cho người lao động. Ngoài ra, nó có thể đem lại năng suất cao hơn và chi phí hoạt động thấp hơn cho nhiều công ty.

Tuy nhiên, làm việc từ xa cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần cũng như phúc lợi xã hội nếu không có kế hoạch khoa học và sự hỗ trợ thích hợp. Một số ảnh hưởng tiêu cực mà người lao động có thể gặp phải khi làm việc tại nhà là cảm giác bị cô lập, kiệt sức, trầm cảm, bạo lực gia đình, chấn thương cơ xương, mỏi mắt, tăng khả năng sử dụng các chất gây nghiện như rượu bia, thuốc lá và có khả năng tăng cân mất kiểm soát.

nguoi-lao-dong-can-lam-gi-de-bao-ve-suc-khoe-khi-lam-viec-tai-nha-trong-mua-dichdocx-1645242463333.jpeg

(Ảnh: Pexels).

Làm gì để bảo vệ sức khỏe người lao động?

Để ngăn ngừa những rủi ro trên, báo cáo nhấn mạnh vai trò của chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động và các dịch vụ y tế tại nơi làm việc.

Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Cục Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết: "Đại dịch đã khiến hình thức làm việc từ xa ngày càng phổ biến, làm thay đổi đáng kể bản chất công việc chỉ trong một đêm đối với nhiều người lao động. Trong gần hai năm kể từ khi đại dịch bùng phát, có thể thấy rõ rằng làm việc từ xa một mặt mang lại lợi ích sức khỏe cho người lao động, nhưng mặt khác, nó cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng ".

"Con lắc dao động theo chiều nào hoàn toàn phụ thuộc vào việc các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động có phối hợp với nhau hay không, cũng như liệu có các dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp hiệu quả để đưa ra những chính sách có lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động hay không?", bà nói thêm.

Báo cáo đã đưa ra một số biện pháp quan trọng mà người sử dụng lao động cần lưu ý khi thúc đẩy người lao động trong quá trình làm việc tại nhà như: cung cấp các thông tin liên quan, hướng dẫn cách giảm thiểu tác động tâm lý xã hội. Đồng thời, cần đào tạo các nhà quản lý biết cách phòng ngừa rủi ro, có khả năng lãnh đạo từ xa và nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc.

Cần thiết lập "quyền được ngắt kết nối" và cung cấp các ngày nghỉ đầy đủ. Theo báo cáo, các dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp phải được kích hoạt để hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tâm lý xã hội cho những người làm việc tại nhà bằng cách sử dụng công nghệ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số từ xa.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022