Cuộc khảo sát trên được thực hiện bởi Park Jeong-min, giáo sư về Phúc lợi xã hội tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc); kết quả sau đó đã được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc. Giáo sư Park đã khảo sát 281 đàn ông và phụ nữ chưa kết hôn trong độ tuổi từ 20 đến 40 về suy nghĩ của họ với vấn đề hôn nhân và sinh con.
Kết quả cho thấy, chỉ 4% số phụ nữ được hỏi đồng ý với quan điểm "kết hôn và sinh con là một phần thiết yếu trong cuộc sống của phụ nữ", trong khi có tới 13% nam giới đồng ý với quan điểm này.
Ngoài ra, hơn 53% phụ nữ đồng ý rằng "kết hôn và sinh con không phải là điều quan trọng trong cuộc đời của một người phụ nữ", so với 26% nam giới tán thành ý kiến này.
Theo kết quả cuộc khảo sát, chỉ 4% số phụ nữ được hỏi đồng ý với quan điểm "kết hôn và sinh con là một phần thiết yếu trong cuộc sống của phụ nữ" (Ảnh: Canva Mỹ Hạnh).
Kết quả khảo sát tiết lộ thêm về tỷ lệ sinh liên tục giảm của Hàn Quốc. Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tổng tỷ suất sinh của nước này đã giảm xuống 0,78 vào năm ngoái, con số thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu thu thập dữ liệu liên quan vào những năm 1970.
Tổng tỷ suất sinh trung bình của các quốc gia thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) là 1,59 vào năm 2020. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trong OECD có tỷ suất sinh thấp hơn 1. Tỷ lệ này không có dấu hiệu tăng lên bất chấp những nỗ lực kéo dài nhiều năm của chính phủ nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con.
Trong 16 năm qua, Hàn Quốc đã chi khoảng 280 nghìn tỷ won (tương đương 210 tỷ USD) để đối phó với tỷ lệ sinh giảm mạnh. Choi Seul-ki, một chuyên gia về chính sách dân số tại Viện Phát triển Hàn Quốc, cho rằng các chính sách của chính phủ đã phản tác dụng. Ông nói rằng việc thúc đẩy những người trẻ tuổi kết hôn có thể khiến họ hoài nghi hơn về hôn nhân.
"Đối với đa số thanh niên Hàn Quốc hiện tại, việc kết hôn và sinh con nằm ở quyết định của họ, không phải là một chuẩn mực xã hội mà họ phải tuân theo. Thay vì trực tiếp thúc giục, chính phủ nên đưa ra những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các cặp đôi khi đăng ký kết hôn", ông nói trong một diễn đàn về chính sách nhân khẩu học do Bộ Y tế và Phúc lợi tổ chức vào ngày 22/2.
Ông kêu gọi chính phủ giải quyết một số yếu tố khác khiến giới trẻ chẳng còn mặn mà với việc kết hôn như tỷ lệ việc làm thấp, giá nhà ở đắt đỏ, sự bất bình đẳng và tính chất cạnh tranh cao của xã hội.
Các nhà nghiên cứu ở những quốc gia khác tỏ ra bi quan hơn về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc. Một báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) được công bố vào năm 2021 đã kết luận rằng dường như không có bất kỳ biện pháp đột phá nào dành cho Hàn Quốc để tăng tỷ lệ.
Báo cáo có tiêu đề "Tầm ảnh hưởng lâu dài của đại dịch: Triển vọng tài chính và khả năng sinh sản của Hàn Quốc" cho rằng: "Nhìn chung, dường như việc phục hồi tỷ lệ sinh thông qua chi tiêu chính phủ của Hàn Quốc gặp khá nhiều khó khăn".
Cũng theo báo cáo này, một số biện pháp như tăng mức đầu tư xã hội cho các dịch vụ chăm sóc trẻ em tại Hàn Quốc, hỗ trợ học phí tại các trường đại học có thể sẽ giúp cải thiện việc tỷ lệ sinh giảm, nhưng nỗ lực này là chưa đủ để đảo ngược tình thế hiện nay.
Theo các nhà nghiên cứu, một số hành động trước mắt mà chính phủ nên thực hiện dài hạn bao gồm: chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với trẻ em sinh ra khi cha mẹ các bé chưa kết hôn hoặc trong các gia đình phi truyền thống, duy trì số lượng người được hợp pháp hóa việc nhập cư khi kết hôn.
Đồng thời, Hàn Quốc cần thừa nhận rằng khó có thể xảy ra bất kỳ sự thay đổi nào về tỷ lệ sinh trong thời gian ngắn. Do đó, nước này nên bắt đầu điều chỉnh cơ cấu để thu hẹp quy mô các cơ sở giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non cho phù hợp.