Một cô gái người Anh có tên là Sophie, 29 tuổi, chia sẻ: "Tôi từng yêu một người, đó là mối quan hệ tình cảm nghiêm túc đầu tiên của tôi. Anh ta có mối quan hệ không tốt với mẹ nên đã chuyển đến sống với tôi sau vài tháng chúng tôi hẹn hò.
Tôi không mặn mà với ý tưởng này nhưng tôi không muốn anh ta trở thành người vô gia cư nên tôi đã đồng ý để anh ta đến sống cùng. Nhìn lại quãng thời gian đó, tôi có thể thấy mối quan hệ của chúng tôi sớm có những sự báo động khi mà anh ta thường thể hiện sự tức giận và căng thẳng chỉ vì những điều nhỏ nhặt.
Trong vòng ba tháng kể từ khi anh ta chuyển đến sống cùng tôi, anh ta bạo hành tôi cả thể xác và tinh thần. Sự lạm dụng cũng liên quan đến cảm xúc và tâm lý của tôi. Anh ta còn đổ lỗi cho tôi rằng, sự tức giận của anh ta chủ yếu do tôi làm anh ta cảm thấy khó chịu.
Tôi đã hỗ trợ tài chính cho bạn trai trong một thời gian dài vì anh ta thường thất nghiệp hoặc làm công việc lương thấp. Tôi cũng phải trả toàn bộ tiền thuê nhà.
Tôi từng đề nghị bạn trai đăng ký nhận trợ cấp cho người đang tìm việc nhưng anh ta cũng từ chối. Lúc đó tôi mới khoảng 25 tuổi và chỉ vừa đi làm một thời gian. Vì vậy tôi khá vất vả khi phải cố "gồng gánh" để nuôi sống cả hai người.
Trong thời gian đó, bạn trai tôi thường tỏ ra rất chán nản và khó chịu nên tôi luôn đưa tiền cho anh ta để mua những thứ anh ta muốn vì tôi biết điều đó sẽ khiến anh ta dễ chịu hơn.
Tôi từng nghĩ nếu đưa tiền cho bạn trai để anh ta đi chơi thì ít nhất tôi có thể dành thời gian thư giãn một mình và anh ta không ở nhà đe dọa tôi.
Có những lúc anh ấy xin tiền tôi để ra ngoài uống rượu và tôi nhanh chóng đưa cho anh ta vì tôi biết nếu tôi làm vậy, anh ta ra ngoài, có một khoảng thời gian vui vẻ và cảm thấy bình tĩnh thì buổi tối của tôi sẽ an toàn.
Nhiều cặp đôi trẻ phụ thuộc tài chính vào nhau (Ảnh minh họa: iStock).
Hầu hết mọi người chỉ nói về lạm dụng tài chính trong bối cảnh gia đình với một người phụ nữ không có việc làm và sống dựa dẫm vào chồng hoặc bạn trai nhưng trong mối quan hệ của mình, tôi lại là trụ cột chính trong gia đình.
Rõ ràng là tôi không muốn những việc như thế xảy ra nhưng trải nghiệm đó cho tôi động lực để tiến tới và thay đổi. Giờ đây thi thoảng tôi vẫn cảm thấy buồn lòng khi nghĩ về câu chuyện đã xảy ra với tôi vào khoảng thời gian đó.
Tôi đã từng sống trong tình trạng căng thẳng và luôn lo lắng về những gì sẽ xảy ra khi tôi về nhà, điều này ảnh hưởng đến sự nghiệp và mọi quyết định của tôi.
Trải nghiệm tình yêu tồi tệ đó cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ của tôi với tiền bạc. Tôi hối hận về việc hỗ trợ tài chính cho người yêu cũ và điều đó khiến tôi thận trọng hơn - thậm chí thận trọng quá mức - về các thỏa thuận tài chính với những người bạn trai sau đó.
Hiện tại tôi đã gần 30 tuổi nhưng đôi khi tôi cảm thấy mình trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật. Có lẽ vì tôi đã bỏ lỡ những trải nghiệm vui vẻ điển hình của tuổi 20.
Tôi đã từng rất cởi mở trong việc chia sẻ tiền bạc với gia đình và bạn trai của mình. Tôi từng nghĩ, những người đang yêu nhau nên chia sẻ mọi thứ nhưng giờ đây, tôi nhận ra, khi đó mình quá ngây thơ".
Katie Ghose, giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Women's Aid, cho biết: "Lạm dụng tài chính có thể diễn ra dưới nhiều hình thức và nhiều người không nhận ra điều đó cho đến khi nó leo thang kinh khủng.
Lạm dụng kinh tế là bóc lột thu nhập và thời gian của nạn nhân: Từ việc buộc nạn nhân phải đưa tiền cho kẻ bạo hành, ngăn cản nạn nhân đi làm hoặc hoàn thành việc học của họ. Hành vi này cũng có thể bao gồm việc sử dụng hoặc lạm dụng tiền, giám sát tài chính của nạn nhân".
Một báo cáo của tổ chức từ thiện Women's Aid vào năm 2015 cho thấy 77% sức khỏe tâm thần của những người "sống sót" sau lạm dụng tài chính đã bị ảnh hưởng, gần 71% những nạn nhân rơi vào tình trạng cạn tiền và 61% mắc nợ.
Tổ chức từ thiện về bạo lực gia đình Women's Aid thường xuyên kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức về các loại bạo lực khác nhau diễn ra trong mỗi gia đình, nó có thể bao gồm kiểm soát hành vi, thao túng cảm xúc, lạm dụng tâm lý và kiểm soát tài chính.