Khi còn bé, gia đình thường giao cho Stewart việc dắt chó đi dạo. Đến năm 2002, anh bắt đầu nghề dắt thú cưng đi dạo như một nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, nhờ danh tiếng tích lũy qua 20 năm, anh có thu nhập lên tới 120.000 USD/năm (hơn 2,8 tỷ đồng) từ công việc này.
Ryan Stewart bắt đầu làm thêm công việc dắt chó đi dạo từ năm 2002 (Ảnh: CNBC).
Theo chia sẻ của Stewart, mặc dù chỉ cần làm việc 6 tiếng/tuần, nhưng công việc này đòi hỏi sự cẩn thận và tập trung cao độ. "Trong ngành này, bạn sẽ phải trả giá đắt dù chỉ sơ ý thiếu tập trung. Chẳng hạn như, nếu bạn không để ý việc đuôi chó bị mắc vào cửa, bạn sẽ phải tốn 2.000 USD để dẫn chú chó đó đi khám thú y", anh nói.
Tuy khó khăn là vậy, nhưng Stewart khẳng định rằng công việc này mang lại nhiều lợi ích hơn là phiền toái.
Đến nay, Stewart đã có thể kiếm được nhiều hơn nhờ vào danh tiếng của mình trong lĩnh vực này. Anh thu phí khoảng 20-25 USD cho mỗi chú chó. Một nửa khách hàng biết đến anh nhờ giới thiệu bạn bè, một nửa còn lại biết anh nhờ vào website của bản thân anh.
Do số lượng đơn hàng ngày càng nhiều, Stewart phải khắt khe về quy trình chọn lựa khách hàng phù hợp để làm việc, và anh chỉ nhận 10% yêu cầu dịch vụ mà anh nhận được từ website.
Lịch làm việc của Stewart bao gồm 2-3 tiếng buổi sáng, và 2-3 tiếng buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 6, 1-2 tiếng vào thứ 7, và anh luôn nghỉ vào chủ nhật. Để làm tốt công việc này, anh cũng đặt ra nhiều quy tắc nghiêm khắc cho bản thân, như: luôn đeo vòng cổ và dây xích khi dắt thú cưng ra đường.
Bên cạnh đó, anh thường xuyên dắt chó đi dạo theo nhóm, bởi vì theo anh, việc này sẽ giúp những chú chó có cơ hội giao lưu. Thỉnh thoảng, anh vẫn thả xích cho một vài chú chó ngoan ngoãn, có khả năng quan sát.
Tuy điều này làm khách hàng của anh có đôi chút lo lắng, nhưng chính phương thức này đã phần nào giúp anh xây dựng thương hiệu.
Stewart chia sẻ, công việc này có rất nhiều nhược điểm. Anh phải tự chi trả cho bảo hiểm sức khỏe, không được nghỉ phép có lương, và phải dọn phân chó.
Phần khó khăn nhất trong công việc này chính là giải quyết vấn đề với chủ thú cưng. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khách hàng của anh đã tạo nhiều áp lực công việc hơn cho anh. Họ càng yêu cầu anh trang bị thêm nhiều camera và thiết bị theo dõi hơn. Đây là điều mà anh không hài lòng, bởi nó vừa gây xao nhãng, vừa khiến anh thấy áp lực hơn.
Mặt xấu là vậy, nhưng đại dịch cũng đem lại sự phát triển vượt bậc cho ngành dịch vụ này. Trong năm 2019, ngành dịch vụ thú cưng đã thu về 97,1 tỷ USD. Năm 2021, con số này nhảy vọt lên 123,6 tỷ USD.