Sau một số vụ việc sinh viên bị quấy rối tình dục trong môi trường học đường gây xôn xao dư luận gần đây, việc sinh viên làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi những đối tượng có hành vi đáng ngờ trở thành vấn đề nhiều người quan tâm.

Nạn nhân có thể bị rối loạn tâm lý do cảm xúc tiêu cực kéo dài

Theo TS Nguyễn Bá Đạt, Trưởng bộ môn Tâm lý học tham vấn, khoa Tâm lý học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện tượng quấy rối tình dục có thể xảy ra ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Các hành vi quấy rối tình dục được phân loại dựa trên 3 dạng: quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất, quấy rối bằng lời nói và quấy rối bằng ngôn ngữ cơ thể.

Với sinh viên, quấy rối tình dục có thể xảy ra trong các mối quan hệ giữa sinh viên với sinh viên, sinh viên với cán bộ nhân viên trong trường đại học, nơi làm việc và xảy ra thông qua hoạt động học tập, hoạt động thể dục, giải trí, các công việc liên quan đến giấy tờ, thủ tục hành chính,…

"Mỗi cá nhân trong mối quan hệ sẽ có những nhìn nhận khác nhau về các hành vi quấy rối tình dục. Điều này là hệ quả của việc không có sự thống nhất trong nhận biết và đánh giá tính chất sự việc. Vì thế, sẽ có những trường hợp người ngoài cuộc không cho rằng đây là một hành vi quấy rối tình dục", TS Đạt nói.

TS nhấn mạnh, những cử chỉ và lời nói mang ngụ ý tình dục (chưa đụng chạm cơ thể ) luôn bị xem nhẹ và phớt lờ. Tuy nhiên, đó đã được xem như một hành vi quấy rối tình dục với 2 tiêu chí chính.

Thứ nhất, những hành vi này mang đặc tính gây hại cho người tiếp nhận, khiến nạn nhân cảm thấy khó xử và không thoải mái. Thứ hai, người chủ động tạo nên những cử chỉ, lời nói có hại có thể mang trong mình một chủ đích nào đó nhằm thiết lập, duy trì hay thỏa mãn nhu cầu cho bản thân.

Với những trường hợp bị quấy rối nói chung và ở đối tượng sinh viên nói riêng, đa số sẽ thường im lặng, không dám nói với người thân hay xin ý kiến chuyên gia tâm lý về vấn đề xảy ra với bản thân. Việc phải kể lại câu chuyện đã diễn ra là gánh nặng với nạn nhân, đồng nghĩa với việc họ phải sống lại trong những tình huống đen tối.

"Do không được chia sẻ và bày tỏ, lâu dần, nạn nhân sẽ cảm thấy ức chế và đau đớn về mặt tâm lý. Đó là sự tái tổn thương tâm lý", TS Đạt cho hay.

bai-quay-roi-tinh-duc-ban-cuoi-docx-1663058926741.jpeg

Nạn nhân bị quấy rối tình dục phải chịu đựng những ức chế và đau đớn về mặt tâm lý (Ảnh minh họa: reepik.com).

Bên cạnh đó, một số nạn nhân sợ hãi, lo lắng rằng xã hội sẽ không thấu hiểu được hoàn cảnh mà họ là người bị hại; sợ việc bị đổ lỗi ngược lại như "không có lửa làm sao có khói", "nạn nhân phải thế nào mới kích thích đối phương có hành vi xâm hại",…

"Sự sợ hãi phải nhớ lại những kí ức đau thương, cùng với nỗi ám ảnh bị xã hội đổ lỗi và kết tội ngược lại khiến cho những người bị quấy rối trở nên cô lập với xã hội. Họ sẽ càng kìm nén, giấu kín những câu chuyện cùng với cảm xúc tiêu cực, lâu dần trong tâm trí sẽ xuất hiện cảm giác mặc cảm, tội lỗi. Tất cả gây phá hủy đời sống tinh thần, nhận thức, nhân cách, thậm chí là dẫn đến rối loạn tâm lý cho nạn nhân.

Nếu một người bị quấy rối cả về lời nói, cử chỉ và nghiêm trọng nhất là có quấy rối đụng chạm thể xác, tổn thương và sang chấn tâm lý sẽ còn lớn hơn, chưa kể đến những hậu quả để lại ở thể chất nạn nhân", TS Đạt chia sẻ.

Làm gì để giúp nạn nhân bị quấy rối tình dục?

Trưởng bộ môn Tâm lý học tham vấn, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, những tổn thương đối với nạn nhân của quấy rối tình dục có thể rất dai dẳng; gây ra sang chấn tâm lý, ảnh hưởng đến hành vi, năng lực học tập và làm việc.

"Nếu nạn nhân không biết cách đối phó, khả năng hồi phục tâm lý lại thấp thì ảnh hưởng đó có thể thay đổi vĩnh viễn nhân cách của họ", TS Đạt nói.

Theo TS, với những nạn nhân là sinh viên bị quấy rối tình dục, bước đầu tiên cần làm, cũng là bước rất khó là phải tìm cách kể lại, chia sẻ với người mình tin tưởng, có thể là gia đình, bạn bè, thầy cô giáo.

Hãy cố gắng mô tả lại một cách khách quan những điều mà mình đã trải qua. Từ đó, bạn sẽ được giải tỏa về mặt cảm xúc; nhận thức lại những sự kiện để hiểu rõ mình bị tấn công thế nào, bản chất của các hành vi đó ra sao; khẳng định lại điều đúng đắn rằng mình là nạn nhân thực sự để tránh cảm giác mặc cảm tội lỗi và các cảm xúc tiêu cực khác.

Bên cạnh đó, việc tham gia trị liệu tâm lý, tham vấn tâm lý cũng rất cần thiết. Chuyên gia sẽ giúp "cắt nghĩa" những hành vi mà nạn nhân đã phải trải qua, đưa ra cách thức tác động tâm lý cho nạn nhân để giảm thiểu dần những tổn thương mà hành vi quấy rối gây nên.

Đặc biệt, những hỗ trợ bên ngoài, từ gia đình, người thân, bạn bè, thầy cô trong trường,… của nạn nhân rất quan trọng. Sự lắng nghe, thấu hiểu từ phía những người thân thiết sẽ giúp nạn nhân vơi bớt đi nỗi sợ và nhận ra mình được đồng cảm.

TS Đạt nhấn mạnh, những người thân hỗ trợ phải khẳng định với người bị hại rằng sự việc đã qua hoàn toàn không phải lỗi của họ và cùng trao đổi, thảo luận, đi đến cách giải quyết để bảo vệ quyền lợi của những người bị quấy rối.

"Càng nhiều người thân, bạn bè, thầy cô lên tiếng và đồng cảm sẽ tạo nên một môi trường càng trong sạch hơn, qua đó bảo vệ được cả những nạn nhân khác. Trên hết, hãy luôn đứng về phía những người bị quấy rối, cho họ cảm giác an toàn và không bị cô lập, để nạn nhân có dũng khí vượt qua nỗi sợ, lên tiếng chia sẻ câu chuyện với người mình tin tưởng", TS Đạt nói.

Lời khuyên cho sinh viên để tránh trở thành nạn nhân bị quấy rối

TS Nguyễn Bá Đạt nhấn mạnh, để tránh việc trở thành nạn nhân bị quấy rối tình dục, sinh viên cần có biện pháp đối phó với những đối tượng có hành vi đáng ngờ.

Đầu tiên, phải hiểu được thế nào là hành vi quấy rối tình dục và bản chất của những hành vi đó. Khi đã hiểu hành vi nào là lệch chuẩn, chúng ta sẽ làm chủ được bản thân; sẽ biết được trong tình huống giao tiếp xã hội, trong các hoạt động tập thể ở học tập, nơi làm việc, những hành động nào là không phù hợp; biết giữ ranh giới với những người "đáng nghi", có chủ đích gây cho chúng ta sự khó chịu.

Thứ hai, trong trường hợp gặp đối tượng có hành vi đáng ngờ, ánh mắt và các cử chỉ của bạn cần trở nên cứng rắn, quả quyết hơn để bảo vệ bản thân ngay từ những lần giao tiếp đầu tiên.

"Điều này sẽ khiến những người có ý định quấy rối nhận thấy người mà chúng nhắm đến là một người luôn rõ ràng trong các tương tác xã hội và khả năng bảo vệ bản thân rất cao.

Bên cạnh đó, cần biết nói "có" và "không" một cách phù hợp, đúng lúc. Tránh những tình huống, môi trường thuận lợi, tạo điều kiện cho các đối tượng nảy sinh ra hành vi quấy rối", TS Nguyễn Bá Đạt cho hay.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022