Tập 9 chương trình Whose Chance - Cơ Hội Cho Ai có sự thay đổi cực thú vị khiến khán giả thích thú. Đó chính là sự quay lại của một số sếp "quen mặt" từ những mùa trước như sếp Trí - CEO Công ty Cổ phần Viễn thông ASIM, sếp Dũng - CEO DH Food bên cạnh sếp Lan - Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Atlantic, sếp Vũ Linh - Tổng giám đốc thương hiệu thời trang IVY moda và sếp Hiếu - Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc. Đặc biệt chương trình còn có sự xuất hiện của Phạm Minh Hữu Tiến (Dược sĩ Tiến) - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dược Sĩ Tiến, khiến dân tình đứng ngồi không yên.
Vòng Đối đầu được khởi động với cuộc tranh tài giữa hai ứng viên ngang sức ngang tài. Đầu tiên là ứng viên Phan Kiệt (26 tuổi, TP.HCM) có gần 9 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Mỹ. Anh chàng tốt nghiệp loại Giỏi ngành Quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang Texas (Mỹ), từng làm chủ tịch hiệp hội học sinh châu Á tại Cao đẳng Cộng đồng Green River bang Washington. Ngoài ra Phan Kiện có hơn 3 năm kinh nghiệm làm chuyên viên phân tích dữ liệu cho một công ty Logistic tại Denver bang Colorado (Mỹ).
Ứng viên Phan Kiệt
Đối thủ của Phan Kiện là ứng viên Hà Thúc Sơn Tùng (27 tuổi, Thừa Thiên - Huế), tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tại trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, thành tạo tiếng Anh cao cấp và tiếng Trung sơ cấp. Ứng viên Sơn Tùng có hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc với vị trí Kế toán thanh toán và Kế toán công nợ tại các tập đoàn đa quốc gia, từng làm việc tại phòng xúc tiến thương mại trực thuộc lãnh sự quán Ý. Bên cạnh đó, anh còn nhiều lần vượt KPI cá nhân đoạt giải nhân viên xuất sắc tại nơi làm việc.
Với chủ đề tranh biện: "Hiện nay có nhiều người trẻ ở một số khu vực chọn con đường xuất khẩu lao động để kiếm tiền nhanh thay vì đi học đại học. Theo bạn, đây có phải là xu hướng tốt hay không?", hai ứng viên đã có phần trình bày quan điểm đối nghịch.
Ứng viên Phan Kiệt ủng hộ các bạn trẻ lựa chọn con đường xuất khẩu lao động. Theo anh, nếu có đủ tiền bạc và thời gian thì học đại học sẽ là lựa chọn lý tưởng. Nhưng với những người không có điều kiện thì xuất khẩu lao động là lựa chọn không tồi. Anh cho rằng đại học không phải phải nơi duy nhất mà chúng ta có thể học hỏi và tích lũy kiến thức.
"Việc đi xuất khẩu lao động sẽ giúp các bạn có cơ hội học một ngôn ngữ mới, được tiếp xúc với nền văn hóa mới. Về lâu dài nó sẽ giúp sự nghiệp của các bạn thăng tiến hơn nữa. Ngoài ra, một lý do khác mà các bạn nên đi xuất khẩu lao động là đa số những công việc xuất khẩu lao động mang lại nguồn thu nhập cao hơn rất nhiều so với những công việc yêu cầu bằng cấp ở Việt Nam. Do đó, những người muốn vẫn chung cấp cho gia đình thì việc chọn đi xuất khẩu lao động là một ý tưởng rất tốt", Phan Kiệt chia sẻ.
Ứng viên Phan Kiệt ủng hộ các bạn trẻ lựa chọn con đường xuất khẩu lao động
Trái ngược hoàn toàn với đối thủ, ứng viên Sơn Tùng không ủng hộ xu hướng đi lao động xuất khẩu thay vì học đại học. Nam ứng viên cho rằng chỉ nên xem việc xuất khẩu lao động thay cho việc đi đại học là một lựa chọn, và lựa chọn này chỉ nên sử dụng khi không còn lựa chọn khác.
Anh chàng đưa ra hai lý do để bảo vệ quan điểm của mình. Thứ nhất một quốc gia không thể nào hùng mạnh nếu chỉ có một lực lượng lao động phổ thông được. Thứ hai nếu cổ vũ xu hướng này sẽ tạo ra trào lưu ham giàu nhanh rồi đi ra nước ngoài sau đó bị vỡ mộng. Bởi vì thực ra công việc lao động xuất khẩu bên nước ngoài cũng rất là nặng nhọc, thậm chí còn nặng nhọc ở Việt Nam. Bên cạnh đó là những rủi ro về sức khỏe lẫn tinh thần.
"Nếu không đi xuất khẩu lao động mà chọn đi học thì làm sao chắc chắn khi ra trường chúng ta vẫn sẽ có công việc tốt hơn so với lúc mà chúng ta xuất khẩu lao động?", Phan Kiệt đưa ra câu hỏi phản biện.
Đáp trả sự phản bác của đối phương, Sơn Tùng cho rằng dù đi học đại học hay xuất khẩu lao động thì tương lai của bạn đều sẽ không chắc chắn. Nhưng lý do người ta vẫn khuyến khích đi học đại học bởi vì con đường này là đơn giản nhất. Số liệu thống kê cho thấy rằng những người mà có học vấn càng cao thì thu nhập của họ cũng sẽ cao theo học vấn của họ. Còn việc vào trường đại học bạn có học hiệu quả hay không là nỗ lực của bản thân.
Cả hai ứng viên đưa ra rất nhiều lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, các sếp cũng theo đó chia hai phe rõ ràng. Sếp Lan ủng hộ quan điểm của Sơn Tùng, sếp Hiếu nhìn từ thực tế xã hội nên đồng cảm với chia sẻ của Phan Kiệt.
Sau khi các sếp thử thách ứng viên bằng hàng loạt câu hỏi và tình huống khó nhằn, cục diện cuộc chiêu mộ nhân sự tuần này dần được định hình. Kết thúc vòng Đối mặt, 4/7 sếp bình chọn cho Phan Kiệt còn Sơn Tùng chỉ được 3/7 phiếu bình chọn.
Bước vào vòng Chinh phục, ứng viên Phan Kiệt đã vận dụng mọi kiến thức và kỹ năng tích lũy được trong thời gian anh làm việc ở Mỹ để lần lượt giải đáp những câu hỏi khó từ các sếp. Khép lại vòng Chinh phục, Phan Kiệt nhận được 4 đèn xanh và 2 đèn đỏ và thành công giành tấm vé bước vào vòng Cơ hội cho ai để trực tiếp deal lương.
Ở vòng cuối này, các sếp đều đưa ra mức lương trên ngàn đô để chiêu mộ Phan Kiệt về làm việc tại doanh nghiệp. Trong đó, sếp Vũ Linh đề xuất vị trí Trưởng nhóm phát triển dự án phân tích dữ liệu với mức lương 35.000.000 đồng; Sếp Trí đề xuất vị trí là chuyên viên phân tích dữ liệu làm việc tại Hà Nội với mức lương 25.000.000 đồng; Sếp Hiếu đề xuất vị trí quản lý dự án SBU - đơn vị kinh doanh chiến lược với mức lương 31.868.686 đồng và Sếp Lan đề xuất vị trí quản lý vận hành khách hàng làm ở Hà Nội với mức lương 33.000.000 đồng
Trong tất cả offer các sếp đưa ra, chỉ có sếp Vũ Linh và sếp Lan đáp ứng được mức lương kỳ vọng của ứng viên Phan Kiệt. Tuy nhiên, ngoài vấn đề về lương, ứng viên này còn mong muốn được làm việc tại TP.HCM để gần gia đình nên cuối cùng anh chàng đã chọn đầu quân cho Ivy Moda của sếp Vũ Linh.
Phan Kiệt ký offer với sếp Vũ Linh