PGS.TS Lê Văn Cảnh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM, là người trẻ tuổi nhất trong 383 ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng giáo sư Nhà nước năm 2022. Hôm 1/11, sau một ngày bận họp, thầy Cảnh bất ngờ khi được bạn bè, đồng nghiệp báo tin và chúc mừng.
"Tôi rất vui. Đó là sự động viên để tôi tiếp tục cố gắng trong công việc", ông Cảnh, 43 tuổi, nói. Thầy Cảnh cảm thấy may mắn khi những thành quả nghiên cứu của mình xuất hiện sớm. Với ông, sự may mắn này chỉ có khi sự tích lũy đủ đi cùng sự cố gắng của bản thân trong nhiều năm.
Quê ở xã Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam, ông Cảnh chia sẻ hồi nhỏ nhà ông rất nghèo, lại có 5 anh em. Từ nhỏ ông xác định phải phấn đấu học tập để giúp bản thân và gia đình thoát nghèo. Khi học cấp 3, trường cách nhà hơn 10 km, đường sá đi lại khó khăn, ông chọn ở trọ để theo học và chỉ về nhà vào cuối tuần.
"Vào mùa mưa lũ, tôi và các bạn phải ăn mì gói nhiều tuần do nước sông lớn ngăn cách. Cuộc sống xa gia đình sớm rèn cho tôi tính tự lập", thầy Cảnh đúc kết, cho biết sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông thi đỗ Đại học Kiến trúc, phân viện TP HCM.
Vì gia đình chỉ chu cấp được tiền học phí, chàng sinh viên nghèo phải làm thêm nhiều việc để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt ở thành phố, trong đó có việc dạy kèm nhiều môn cho học sinh từ THCS đến THPT. "Những khó khăn trong năm tháng ấy đã thôi thúc tôi quyết tâm phải học thật tử tế", PGS.TS Cảnh nói.
Thầy Cảnh trong lần tới thăm Đại học Cambridge, Anh, năm 2007. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tốt nghiệp xuất sắc đại học, Lê Văn Cảnh trở thành giảng viên trường Cao đẳng Xây dựng số 2 thuộc Bộ Xây dựng, rồi nhận được học bổng thạc sĩ ngành Cơ học, Đại học Liege. Chương trình do các giáo sư từ Bỉ và một số nước châu Âu sang Việt Nam dạy.
Năm 2005, sau khi học xong cao học, ông Cảnh được chọn trao học bổng nghiên cứu sinh của Đại học Sheffield, Anh đồng thời với học bổng của thành ủy TP HCM. Ông đứng trước lựa chọn: du học nước ngoài hoặc học tiến sĩ trong nước và tiếp tục công tác tại trường Cao đẳng Xây dựng với cơ hội thăng tiến rộng mở.
Nhận thấy bản thân thích nghiên cứu, muốn tìm hiểu môi trường, xã hội nước ngoài, nhưng ông Cảnh biết rằng rào cản lớn nhất của mình là tiếng Anh. Nếu muốn đi học, ông cần đạt 6.5 IELTS. Cuối cùng, ông quyết định giảm công việc tại trường, chỉ nhận một số dự án để xoay sở kinh tế, còn lại đầu tư học tiếng Anh để nhận học bổng.
"Đây là vinh dự và một trong những bước ngoặt lớn của đời tôi. Tôi hạ quyết tâm dồn công sức, thời gian cho học tiếng Anh", ông nói.
Theo PGS.TS Cảnh, việc ra nước ngoài với ông năm đó là bước nhảy vọt về tư duy và sự nghiệp. Năm 2006, trên chuyến bay qua Anh, cũng là chuyến bay đầu tiên ra nước ngoài, ông đã có kỉ niệm đáng nhớ.
Chuyến bay quá cảnh tại Thái Lan nhưng gặp lỗi không thể chuyển tiếp ngay khiến ông phải ở lại sân bay một đêm, trước khi đến London vào nửa đêm hôm sau. Sau 30 tiếng mới tới nơi, ông loay hoay ở nhà ga vì chưa có thẻ để mua vé xe về trường cách đó vài trăm km. Khi biết chàng sinh viên trẻ từ Việt Nam gặp trục trặc, nhiều người đã hỗ trợ ông, thậm chí miễn cả tiền xe. "Tôi cảm động với sự cư xử văn minh và đầy tình người của những người xa lạ. Tôi xem đây là phần học bổng xe buýt đầu tiên tôi nhận được", PGS.TS Lê Văn Cảnh nhớ lại chuyến đi 16 năm trước.
Qua Anh một năm, thầy Cảnh đưa gia đình nhỏ sang. Nhưng số tiền học bổng không đủ cho cả nhà, ông xoay xở bằng cách nhận làm thêm dự án cho giáo sư. Tháng 3/2010, thầy Cảnh được cấp bằng tiến sĩ Cơ học và nhận được lời mời làm nghiên cứu sau tiến sĩ từ ba trường của Anh, Australia và Scotland. Sau khi cân nhắc, ông chọn nghiên cứu tiếp trong thời gian ngắn rồi trở về Việt Nam.
"Nhiều người hỏi tôi về Việt Nam có tiếc nuối không khi ở đó hay Australia, điều kiện để làm việc tốt hơn, lương cao hơn, con cái có cơ hội học tập. Tôi chỉ muốn nói tôi chọn quay về", thầy Cảnh chia sẻ. Ông giải thích mình nhận được học bổng của thành phố, được kỳ vọng đem kiến thức quay về giúp ích quê hương nên không muốn phụ sự kỳ vọng đó. Hơn nữa, ở Việt Nam, ông còn ba mẹ và gia đình lớn, quay về sẽ có điều kiện chăm sóc và gần gũi hơn.
Ông cũng mạnh dạn trở về vì cho rằng lĩnh vực nghiên cứu của mình chỉ cần một chiếc máy tính thật mạnh, không cần có phòng thí nghiệm hiện đại. Việc cân nhắc về hay ở vì thế với ông cũng không nặng nề.
PGS.TS Lê Văn Cảnh tại phòng làm việc ở trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: IU
Về nước, thầy Cảnh công tác tại trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM. Năm 2013, ở tuổi 34, ông đạt chuẩn phó giáo sư và 5 năm sau được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng. Tại đây, ông đã công bố 74 bài báo và báo cáo khoa học, trong đó 30 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín, một cuốn sách và ba chương sách chuyên khảo quốc tế, nhận nhiều giải thưởng về công bố quốc tế xuất sắc của Đại học Quốc gia TP HCM.
PGS.TS Lê Văn Cảnh quan niệm trong nghiên cứu, không có sự thất bại mà chỉ có những cái ngưỡng mà người làm nghiên cứu phải vượt qua nếu muốn có thành quả. "Sau những cố gắng và nỗ lực mà kết quả nghiên cứu không như kỳ vọng, nhiều người cho đó là thất bại, với tôi kết quả đó cũng có ích giúp cho người đi sau tránh lặp lại", ông nói.
Thầy Cảnh cũng không quên hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. Một trong những mong muốn của ông khi về Việt Nam là góp phần thay đổi môi trường nghiên cứu, môi trường học thuật. Ông cố gắng kết nối những học bổng, tài trợ từ bên ngoài để hỗ trợ giảng viên, học viên và sinh viên trên con đường nghiên cứu.
"Nếu được chọn lựa lại, tôi vẫn muốn quay về Việt Nam", PGS.TS Lê Văn Cảnh chia sẻ, cho biết thời gian tới, ông tiếp tục công việc quản lý và nghiên cứu, nhưng sẽ cố gắng dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.
Bình Minh