Theo đơn vị tổ chức cuộc thi SAT - College Board, 1560/1600 SAT là số điểm mà chỉ gần 1% học sinh trên toàn thế giới đạt được. Tuy nhiên mới đây, em Thân Vũ Minh Nghĩa - học sinh lớp 11A1 của trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đã chinh phục thành công điểm số ấn tượng này chỉ sau 6 tháng ôn luyện. Hai năm trước đó, khi mới lớp 9, Nghĩa cũng từng thi IELTS và đạt mốc 8.0.
Với kỳ thi SAT, đây là điểm số mà Nghĩa có thể dự đoán được. Dù với phần Đọc, Nghĩa bị mất điểm, tuy nhiên với các phần thi còn lại như Viết và Toán, nam sinh lớp 11 khá tự tin:
"Trong 3 phần, em thấy phần Đọc khó nhất. Trong quá trình luyện thi, phần này em thường không đạt điểm tối đa, hôm đi thi, em cũng bị mất điểm. Phần Viết và Toán có thể luyện trong thời gian ngắn, vì các thầy cô hướng dẫn chi tiết dạng bài và phương pháp làm cho từng dạng. Riêng phần Đọc, kiến thức khá rộng, từ vựng học thuật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khoa học tự nhiên đến xã hội, có cả những từ vựng văn học, rất khác so với ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày" , Nghĩa chia sẻ.
Ngoài khoảng thời gian tự học trước đó, Nghĩa có 6 tháng ôn luyện ở một trung tâm với 2 khóa học. Nhờ thầy cô luôn cố gắng cá nhân hóa các bài giảng theo nền tảng sẵn có của từng bạn nên Nghĩa nắm bắt khá nhanh, phương pháp và kỹ năng làm bài cũng tốt hơn rất nhiều.
"Em làm các bài tập thầy cô giao, ghi nhớ và chỉnh sửa các lỗi sai và cố gắng không mắc lại lỗi cũ. Ngoài sách của trung tâm, em cũng làm thêm đề thi SAT của những năm trước. Sau 6 tháng, em đăng ký thi" , nam sinh 17 tuổi chia sẻ.
Theo Nghĩa, tiếng Anh học thật tốt và kiến thức nền phong phú là lợi thế. Trước khi luyện thi, thí sinh nên có quá trình chuẩn bị dài hạn. Tuy nhiên, nếu thời gian không còn nhiều, việc luyện dạng bài và kĩ thuật làm bài cũng rất quan trọng. Để đạt điểm cao, Nghĩa cho rằng sự kiên nhẫn, nỗ lực bền bỉ trong quá trình học tập và sự bình tĩnh trong phòng thi đóng vai trò quyết định.
Không coi học tiếng Anh là công việc mà là nhu cầu
Khác với nhiều bạn trẻ khác muốn đạt điểm SAT thật cao để làm đẹp hồ sơ du học, Nghĩa cho biết em không dự định học đại học ở nước ngoài. Chứng chỉ SAT chỉ để năm tới em bổ sung hồ sơ xét tuyển vào một số trường trong nước.
Nghĩa học tiếng Anh từ rất nhỏ. Cấp 1, em chủ yếu học giao tiếp. Lên cấp 2, em nhận thấy cách mình học tiếng Anh không giống các bạn. Trong khi các bạn chăm chỉ làm bài tập ngữ pháp, học từ mới, học cấu trúc câu thì em sử dụng luôn tiếng Anh như một phương tiện học tập, dù cho lúc đầu em chưa hoàn toàn hiểu hết các tài liệu bằng tiếng Anh.
"Em tự nhận thấy mình có tính tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá các lĩnh vực khác nhau. Trước một vấn đề không thể tự lý giải, em luôn bị thôi thúc đi tìm câu trả lời. Internet dẫn dắt em tới các vấn đề về tâm lý, về xã hội, về đạo Khổng, về triết học phương Đông, về các nền văn minh trong quá khứ… Sau khi tò mò về nhiều chuyện theo cách như vậy, em được tiếp cận với nhiều lĩnh vực khác nhau bằng ngôn ngữ Anh. Có thể điều đó giúp em có kiến thức nền đủ rộng và vốn từ vựng học thuật để làm các bài thi tiếng Anh quốc tế.
Ngoài ra, em cũng thích được trao đổi với các bạn về những gì em đọc được bằng tiếng Anh. Em rất cảm ơn những người bạn cấp 2 ở trường Cầu Giấy đã tiếp chuyện em khi em chỉ giao tiếp với các bạn bằng ngôn ngữ này. Khi lên cấp 3, em học ban A nên các bạn tập trung học Toán - Lý - Hóa nhiều hơn, em không có nhiều cơ hội để giao tiếp. Em kết bạn với vài bạn nước ngoài trên mạng xã hội để giao lưu bằng Tiếng Anh" , Nghĩa chia sẻ.
Em Nghĩa và bà ngoại.
Chị Vũ Thị Phương Thảo, mẹ em Minh Nghĩa cho biết, gia đình rất vui khi nghe con khoe kết quả. Nhưng điều chị thấy mừng hơn là chứng kiến quá trình con đặt mục tiêu và lập kế hoạch để đạt được mong muốn của con.
"Con thích tiếng Anh từ rất nhỏ và được giáo viên đánh giá là có năng khiếu. Thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, trong suốt 5 năm tiểu học, bố mẹ đưa con đến Trung tâm tiếng Anh học giao tiếp. Sau khi thấy con sử dụng tiếng Anh lưu loát, mẹ khuyến khích con sử dụng ngôn ngữ này để tìm hiểu các vấn đề con quan tâm. Dần dần, con coi tiếng Anh là công cụ ngôn ngữ để tra cứu thông tin, giao tiếp và giải trí.
Chúng mình không đặt nặng thành tích mà cùng thống nhất nguyên tắc tôn trọng và giúp con phát huy thế mạnh riêng. Các con sẽ quyết định học những gì con muốn, theo cách con thấy thoải mái. Tuy nhiên, mình định hướng và đồng hành với con để cùng đạt mục tiêu dài hạn" , chị Thảo chia sẻ.