Với định hướng phát triển thành một trường đại học nghiên cứu, để thực hiện sứ mệnh của Trường ĐHBK Hà Nội là “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao cho xã hội; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; đóng vai trò nòng cốt và tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, góp phần đắc lực vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, giữ gìn an ninh quốc phòng”, song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Trường đã không ngừng nỗ lực trong đẩy mạnh công tác NCKH của cả người dạy và người học.
Đầu tiên, đó là việc sử dụng hoạt động NCKH như một phương thức xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường, đáp ứng nâng cao chất lượng người dạy. Song song với việc tuyển dụng cán bộ có trình độ đào tạo và năng lực nghiên cứu tốt làm giảng viên trong Trường, việc nâng cao năng lực cán bộ được triển khai thông qua cử các cán bộ đi đào tạo tại nhiều cơ sở nghiên cứu uy tín trên thế giới, tham gia những chương trình nâng cao năng lực, tìm kiếm các nguồn ngân sách, hỗ trợ cán bộ triển khai các đề tài NCKH và thực hiện chính sách ưu đãi với cán bộ thực hiện các công trình có giá trị.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường.Thực hiện các chủ trương này, kết quả triển khai cho thấy sự thay đổi tích cực trong cơ cấu nhân sự trình độ cao và số lượng cũng như chất lượng các công trình nghiên cứu. Theo số liệu thống kê năm 2016, số lượng cán bộ là TS chiếm trên 30%, trong đó có 22 GS, 202 PGS trong tổng số 1.939 cán bộ. Trong 5 năm gần đây, số lượng công bố khoa học của Trường tăng từ 828 công trình với công bố ISI chiếm 10% lên 1.170 công trình với số công bố ISI chiếm 15%.
Hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là các hoạt động chuyển giao công nghệ và sáng tạo có tầm quan trọng trong việc giúp giảng viên nắm chắc kiến thức chuyên môn, bồi đắp các ứng dụng thực tế của kiến thức nền tảng; đồng thời mở rộng thêm các kiến thức liên ngành cũng như nắm bắt xu hướng nhu cầu xã hội, đem lại chiều sâu, tính mục đích cũng như sự mới mẻ cho các kiến thức trong bài giảng.
Qua nhiều năm phát triển, các công trình nghiên cứu của cán bộ Trường đã nhận được sự đánh giá cao của xã hội và nhà nước, tiêu biểu như: GS Đặng Thị Kim Chi – Nguyên Phó Viện trưởng Viện KH&CN Môi trường với giải thưởng Kovalevskaia năm 2007; PGS Lê Thị Chiều – Viện KH&KT Vật liệu với giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC) năm 2010; GS Nguyễn Văn Cách – Viện CNSH&CNTP đã được cấp bằng sáng chế WIPO năm 2011; GS Nguyễn Trọng Thuần với giải thưởng Sáng tạo KHCN năm 2010; PGS Tạ Hải Tùng – Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) với giải thưởng Nhân tài Đất việt năm 2015; GS Thân Đức Hiền – Nguyên Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học vật liệu (ITIMS) nhận giải thưởng Nhà nước về KHCN; GS Nguyễn Văn Hiếu – Viện trưởng Viện ITIMS với giải thưởng Nhà khoa học trẻ có kết quả NCKH xuất sắc năm 2016 của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và giải thưởng Tạ Quang Bửu…
Sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội trong những năm vừa qua đã để lại dấu ấn rất tích cực trong các cuộc thi sáng tạo khoa học trẻBên cạnh hoạt động nghiên cứu của cán bộ, giảng viên Trường, hoạt động NCKH ở sinh viên cũng diễn ra sôi nổi. Hoạt động sinh viên NCKH tại Trường ĐHBK Hà Nội đã có bề dày hơn 30 năm, liên tục được đổi mới cả về chất và lượng, ngày càng mang tính thời sự, gắn liền với các vấn đề cấp thiết của xã hội và có khả năng ứng dụng và chuyển giao cao. Từ những năm đầu mới chỉ có vài chục đề tài tham dự, hoạt động nghiên cứu những năm gần đây thu hút gần 1.000 sinh viên trực tiếp tham dự với sự hướng dẫn của khoảng 500 giảng viên, thực hiện hơn 400 công trình nghiên cứu. Trong đó, các công trình cấp Trường được lựa chọn đi thi cấp Bộ thường xuyên đạt giải cao, trung bình 10 công trình/năm.
Giai đoạn từ năm học 2005-2006 đến 2014-2015, số công trình sinh viên tham gia NCKH cấp Trường là 3.744 công trình, cấp Bộ là 169 công trình. Số công trình đoạt giải thưởng cấp Trường là 578, cấp Bộ là 152, 46 đề tài đoạt giải VIFOTEC gồm 6 giải Nhất, 21 giải Nhì, 24 giải Ba, 58 giải Khuyến khích, 209 đề tài đoạt giải của Bộ GD&ĐT. Nhiều công trình NCKH của sinh viên đã đạt các giải thưởng cao, được ứng dụng vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn.
Sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội trong những năm vừa qua đã để lại dấu ấn rất tích cực trong các cuộc thi sáng tạo khoa học trẻ như: Tham gia cuộc thi “IMAGINE CUP” toàn cầu và đã dành được giải cao trong nhiều năm liền; Nhóm sinh viên Viện Cơ khí Động lực hàng năm đều tham dự cuộc thi chế tạo xe ô tô tiết kiệm nhiên liệu “Eco Mileage Challenge” do Công ty Honda tổ chức và luôn dành kết quả cao, nhiều đội được cử đi thi ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á và cũng đã dành được nhiều giải thưởng; sân chơi Robocon….
Ngoài ra, trong những năm vừa qua, rất nhiều sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội quan tâm tới các cuộc thi sáng tạo KHCN, nhiều nhóm sinh viên có ý tưởng tốt và đã có nhiều giải thưởng ở các cuộc thi cấp Quốc gia và do các tổ chức xã hội khởi xướng.
Trong thời gian tới, Trường ĐHBK Hà Nội sẽ phát triển các CLB nghiên cứu và sáng tạo của sinh viên, tiếp tục triển khai các hội thảo về kỹ năng nghiên cứu, hội thảo trao đổi chuyên môn với doanh nghiệp để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa tiềm năng sáng tạo và ứng dụng trong sinh viên, mở rộng và chuyên nghiệp hóa hơn nữa sân chơi lý thú này.
Nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, một số giải pháp cụ thể đã được lãnh đạo Trường đưa ra trong kế hoạch nhiệm kỳ và kế hoạch năm học như: phân cấp mạnh mẽ quản lý KHCN cho các đơn vị, phát huy sự chủ động và khai thác thế mạnh của các đơn vị; xây dựng quỹ KHCN, đổi mới phương thức xét chọn và cấp kinh phí và quản lý thực hiện các đề tài; ưu tiên cán bộ trẻ; tích cực tìm kiếm, khai thác các nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, chú trọng mở rộng hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu cũng như chuyển giao công nghệ; đổi mới quản lý NCKH trong sinh viên, triển khai thành công đề án các CLB nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên.
Có thể nói, hoạt động NCKH gắn liền với hiệu quả của giáo dục và đào tạo, đóng vai trò quan trọng phát triển nội lực của Trường và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng chủ trương của Đảng và yêu cầu phát triển kinh tế của xã hội. Đây cũng là yếu tố hết sức quan trọng để Trường ĐHBK Hà Nội trở thành trường đại học nghiên cứu hàng đầu của đất nước.
Đánh giá cao những đóng góp của Trường ĐHBK Hà Nội trong lĩnh vực khoa học – công nghệ trong chặng đường 60 năm qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anhnhấn mạnh: “Với bề dày truyền thống và tiềm lực mạnh mẽ về khoa học – công nghệ đã được xây dựng, cá nhân tôi cũng như Đảng, Nhà nước và xã hội mong muốn, bên cạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường ĐHBK Hà Nội tiên phong trong việc đổi mới chính sách khoa học, đẩy mạnh các hoạt động NCKH – CGCN có tính ứng dụng cao. Trên tinh thần hội nhập sâu rộng với thế giới, Trường hãy quan tâm đến các hoạt động hợp đa phương hóa, đa dạng hóa các loại hình hợp tác quốc tế phù hợp để không chỉ nâng cao trình độ nghiên cứu của Trường mà còn là cầu nối để khoa học – công nghệ Việt Nam từng bước tiếp cận với thế giới, qua đó, nhanh chóng có tên trong “top” các trường đại học lớn trong khu vực và thế giới”.
Thiên Hương