Ở Đức, trẻ em được miễn học phí và phần lớn đi học ở các trường công gần khu vực sinh sống. Văn phòng thống kê Đức cho hay 830.000 trẻ sẽ bắt đầu đi học vào năm 2023, cao kỷ lục trong 20 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá chất lượng giáo dục công của Đức đi xuống so với trước. Theo trang tin DW, nhiều trường công bị hư hỏng, thường phải đóng cửa để sửa chữa, có trường số hóa chậm hoặc không đủ tiền mua máy tính, trang bị mạng không dây (wifi) ổn định cho học sinh.
Thiếu hụt giáo viên cũng là một vấn đề báo động. Theo Dagmar Wolf, nhà nghiên cứu tại Robert Bosch, tổ chức công bố bảng thống kê trường học Đức, nước này hiện thiếu khoảng 30.000-40.000 giáo viên các cấp. Đến năm 2030, con số có thể lên tới khoảng 80.000 người.
Lý do là số lượng giáo viên theo nghề giảm, trong khi các giáo viên trẻ không được đảm bảo việc làm, theo Heinz-Peter Meidinger, chủ tịch Hiệp hội giáo viên Đức. Ngày càng nhiều người rời bỏ nghề, do kiệt sức và điều kiện làm việc kém.
Còn Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW Kiel) đánh giá chính phủ Đức đang đầu tư quá ít vào cơ sở hạ tầng.
"Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng, các khoản đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu cần thiết có phần trăm rất nhỏ trong ngân sách của Đức", Claus-Friedrich Laaser, chuyên gia tại IfW Kiel, nói.
Kết quả PISA (bài đánh giá quốc tế dành cho lứa tuổi 15) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế công bố hồi tháng 11 cho thấy điểm bài thi Toán, Khoa học và Đọc hiểu của học sinh Đức đều sụt giảm so với các năm trước.
Một lớp học ở Đức. Ảnh: German School Brooklyn
Trường công xuống cấp là một lý do khiến ngày càng nhiều phụ huynh Đức gửi con vào trường tư, với học phí khoảng 2.000 euro (54,8 triệu đồng) mỗi năm. Cơ quan Thống kê Đức cho biết trong năm học 2022- 2023, tỷ lệ học sinh theo học trường tư thục là gần 10%, trong khi hai thập kỷ trước chỉ 6%.
Chị Luisa ở Berlin đã chuyển hai đứa con sang trường tư thục, trả 200-400 USD (4,8-9,6 triệu đồng) mỗi tháng vì nghĩ con sẽ có môi trường học tập tốt hơn. Theo chị Luisa, con mình không được hỗ trợ đầy đủ tại trường công, giáo viên thường xuyên báo ốm và gần như không đứa trẻ nào trong lớp có thể nói rành mạch tiếng Đức.
"Lớp học ở trường công có quá nhiều học sinh mà giáo viên cần phải để tâm. Và thực sự giáo viên không thể sát sao với những trẻ có tài năng hơn", chị nói.
Tuy nhiên, chuyên gia chính sách xã hội Stephan Köppe của Đại học College Dublin cho biết không có bằng chứng nào cho thấy ở Đức, trẻ em ở trường tư có thành tích tốt hơn ở trường công. Xu hướng chọn trường tư chỉ thường xuất hiện ở các khu vực thành thị.
"Vấn đề thực sự không phải là các trường tư mà là cấu trúc của hệ thống trường học. Điều đáng lo ngại là có sự bất mãn với hệ thống trường học công lập", Köppe nói.
Doãn Hùng (Theo Deutsche Welle)