Tại tọa đàm "ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục" chiều 13/2, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết đây là một cơ hội lớn và cần phải có những chính sách kịp thời.

"Chúng ta không quá hào hứng nhưng cũng không quá lo ngại hay hoảng sợ. Cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó", ông nói. Theo ông Sơn, ChatGPT có sẵn, hơn 20 triệu học sinh, 1,5 triệu nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục, hãy dùng để hiểu hơn, rồi thảo luận, làm rõ lợi ích mà ChatGPT mang lại. Mặt khác, ông Sơn nhận định Trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và ChatGPT cũng có những tác động tiêu cực nếu không hiểu rõ.

"Chắc chắn chúng ta cần thay đổi nhưng thay đổi như thế nào, học sinh cần học gì thì hôm nay chưa thể có câu trả lời. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu vấn đề thấu đáo để có điều chỉnh kịp thời trong thời gian tới", thứ trưởng nói.

Theo ông Sơn, việc ứng dụng công nghệ cần làm sao để hạn chế những mặt trái và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, giảm chi phí trong giáo dục để mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt.

toa-dam1-6513-1676286702.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cLBedyWJ44u7b0fisSGKeA

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn (trái) trong phiên thảo luận "Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục" tại tọa đàm "ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục" chiều 13/2 ở Hà Nội. Ảnh: MOET

Đánh giá về ChatGPT, ông Sơn cho rằng đây là một ứng dụng hữu ích, tác động mạnh mẽ tới các ngành nghề, nhất là lĩnh vực giáo dục. Từ trước đến nay, học liệu có nhiều trên không gian mạng nhưng đây là lần đầu tiên những tài liệu đó không còn được cung cấp ở dạng thô mà là những kiến thức đã được chắt lọc. Người học sẽ mất ít thời gian hơn trong tìm kiếm thông tin. Người thầy cũng có thể ứng dụng công cụ này để xây dựng các bài giảng tốt hơn.

"Điều quan trọng nhất mà AI và ChatGPT mang lại là cá thể hóa quá trình học tập. Công cụ này giống như một gia sư riêng, một người thầy riêng cho từng học sinh", ông nói.

Trước kia, ngành giáo dục hay các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức, "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Ông Sơn cho rằng với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi.

Theo ông Sơn, việc hình thành các trung tâm dạy học xuất sắc trong các trường học là cần thiết. Trung tâm này sẽ thiết kế, hỗ trợ dạy và học thay vì để người thầy đơn độc như từ trước đến nay, từ soạn bài giảng, giáo án, lên lớp giảng dạy, kiểm tra đánh giá.

"Chúng ta có công nghệ, chúng ta hãy giúp các nhà giáo giảm bớt những công việc này và đưa công nghệ vào giáo dục để tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng cũng như là bình đẳng trong giáo dục", ông nói.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022