PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 23/5 cho biết trong số này có hơn 250 hồ sơ được xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (giải quốc gia, quốc tế).

Số em đăng ký bằng chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, A-level, AP, IB) là gần 930. Còn lại là xét tuyển dựa vào hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.

Trường Công nghệ Thông tin & Truyền thông và Trường Điện - Điện tử có số thí sinh đăng ký đông nhất, chiếm gần 55%. Các ngành "hot" là Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Kỹ thuật Điện tử Viễn thông và Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano.

Kể từ khi áp dụng cách xét tuyển này năm 2021, đây là năm có số hồ sơ đăng ký cao nhất. Dự kiến, khoảng 1.850 thí sinh trúng tuyển, tương đương 20% số chỉ tiêu năm nay.

"Bách khoa Hà Nội đang chủ động tìm kiếm sinh viên phù hợp và nhận được sự hồi đáp nhiệt tình từ học sinh tài năng khắp cả nước", ông Hải nói. "Phương thức xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn hiện chỉ có ở Bách khoa Hà Nội, giống với cách làm của nhiều đại học top đầu thế giới".

Các thí sinh sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển cần có điểm trung bình học tập từng năm từ 8 trở lên.

Với cách dùng hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn, thí sinh cần có điểm trung bình các môn (trừ môn Thể dục và Giáo dục Quốc phòng An ninh) từng năm từ 8 trở lên và đạt ít nhất một trong các điều kiện: được chọn thi học sinh giỏi hoặc khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; có giải thưởng cấp tỉnh môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ; tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia vòng tháng trở lên; là học sinh hệ chuyên.

Ngoài ra, thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương được đăng ký xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế - Quản lý, Công nghệ Giáo dục, Quản lý Giáo dục.

Ngày 23/5, thí sinh sẽ nhận được thông báo về kết quả rà soát hồ sơ, điểm thưởng và lịch phỏng vấn chi tiết qua email.

Ngày 26/5, Đại học Bách khoa Hà Nội huy động khoảng 500 giảng viên, chia thành hơn 300 hội đồng để phỏng vấn online gần 4.570 thí sinh diện xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.

Ông Hải lưu ý để đạt kết quả tốt trong buổi phỏng vấn, thí sinh cần có tác phong chỉn chu, đúng giờ, trang phục lịch sự. Ngoài ra, các em đảm bảo các thiết bị cần thiết như máy tính, webcam, microphone, chất lượng kết nối Internet.

Thí sinh cũng lưu ý, nắm bắt các thông tin nền tảng về trường, ngành học; có định hướng tương lai và kế hoạch học tập.

Sau phỏng vấn, các em được thay đổi nguyện vọng trong 5 ngày, từ 27 đến 31/5.

"Việc trực tiếp trao đổi với các thầy cô khi phỏng vấn là cơ hội để thí sinh cân nhắc điều chỉnh ngành học phù hợp dựa trên sở thích, tính cách và năng lực của bản thân, khả năng trúng tuyển", ông Hải chia sẻ.

bkhn-1716431194-7203-1716431821.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UDwnNEWNvP1Gop4LqWIDEA

Thí sinh thi đánh giá tư duy vào Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024. Ảnh: Thanh Hằng

Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay tuyển 9.260 sinh viên, tăng hơn 1.000 so với năm ngoái. Trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh, gồm xét tuyển tài năng (20% tổng chỉ tiêu), dựa vào điểm thi đánh giá tư duy (30%), xét điểm thi tốt nghiệp THPT (50%).

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022