Ông Mai Văn Trinh nói về gian lận điểm thi ở Hòa Bình.
Chiều 12/3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. 210 bài trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu can thiệp được đưa đi giám định. Kết quả 140 bài thi của 56 thí sinh bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án. Các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người tô.
Kết quả chấm thẩm định của Bộ Giáo dục xác định điểm thi của 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố. Trong đó, 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm đã bị thay đổi từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn thi.
"Có thí sinh điểm thi ba môn xét tuyển đại học được tăng lên tới 26,45. Rõ ràng đây là sự can thiệp rất nghiêm trọng, làm sai lệch kết quả thi rất lớn", ông Trinh nói và cho rằng người chịu thiệt thòi đầu tiên chính là thí sinh, sau đó gây hiệu ứng không tốt đến xã hội.
Ông Mai Văn Trinh. Ảnh: Dương Tâm |
Theo quy chế, điểm chấm thẩm định là chính thức và sử dụng thay thế cho điểm thi THPT quốc gia công bố vào tháng 7/2018. Kết quả này được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để trường cao đẳng, đại học tuyển sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu Sở Giáo dục Hòa Bình cập nhật kết quả chấm thẩm định của 64 thí sinh lên hệ thống phần mềm quản lý thi, xét lại tốt nghiệp THPT. Sở Giáo dục Hòa Bình phải thông báo kết quả đã được cập nhật cho các đại học, học viện, cao đẳng, nơi thí sinh có liên quan đang theo học để xử lý theo quy định.
Bộ cũng đã có công văn gửi Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và các đại học, cao đẳng để chủ động liên hệ với Sở Giáo dục Hòa Bình để cập nhật kết quả liên quan tới thí sinh.
Ông Trinh thông tin thêm ngành công an, viện kiểm sát sẽ tiếp tục làm rõ và xử lý những người liên quan theo quy định pháp luật.
Bộ Giáo dục, Bộ Công an gửi thông điệp một cách nghiêm khắc, mạnh mẽ tới phụ huynh, thí sinh chuẩn bị dự thi THPT quốc gia 2019 và đặc biệt là cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi tới đây phải có tinh thần trách nhiệm cao. "Học sinh phải cố gắng ôn tập để đạt kết quả cao nhất, đừng nghĩ đến việc gian lận vì chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm", ông Trinh nhắn nhủ tới thí sinh.
Qua những gian lận ở Hòa Bình, Bộ đã có những đánh giá để lường trước tiêu cực có thể xảy ra, từ đó điều chỉnh ở mọi khâu, hướng tới kỳ thi năm 2019 thành công. Sau Hòa Bình, ông Trinh chắc chắn việc gian lận ở Hà Giang và Sơn La sẽ sớm được làm sáng tỏ.
Tháng 8/2018, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, để điều tra những sai phạm tại Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018.
Ba người bị truy tố gồm: Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng phòng, Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục Hòa Bình); Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên hiệu phó Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy) và Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục Hòa Bình)
Trước đó, tỉnh Hòa Bình khiến dư luận nghi ngờ khi có số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên là 27, chiếm 4,7% cả nước. Xét theo khối thi truyền thống (A, A1, B, C, C3, D1), địa phương này có 22 trên tổng số 324 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên. Rất đông thí sinh của Hòa Bình, Sơn La và Lạng Sơn (địa phương có nghi vấn gian lận) đã có tên trong danh sách trúng tuyển với điểm xét tuyển cao nhất khối trường "hot" là quân đội, công an.