Video ghi lại hình ảnh thầy giáo đứng chào học sinh những ngày qua được chia sẻ liên tiếp trên các hội, nhóm, thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác. Trong đó, thầy giáo vui vẻ bắt tay, đập tay hoặc nhấc bổng học trò khiến các em thích thú. Nhiều người để lại bình luận, bày tỏ sự quý mến và ủng hộ thầy.

Thầy giáo Vũ Văn Bền là người trong video. Thầy cho biết nhận được nhiều chú ý sau khi phụ huynh đăng hình ảnh lên mạng gần đây, nhưng thực ra làm điều này 8 năm qua.

"Đây là việc làm mộc mạc, xuất phát từ sự yêu quý học trò", thầy Bền nói. Từ quan sát và trải nghiệm của bản thân, thầy Bền nhận thấy trẻ thường bị người lớn đối xử bất công. Vì thế, thầy muốn đối xử công bằng để học sinh thấy được tôn trọng.

Theo thầy, hành vi tốt sẽ giúp học trò hình thành thói quen, cá tính, nhân cách tốt, từ đó mới tạo nên tương lai tốt. Với trẻ tiểu học, thay vì chỉ bằng lời nói, thầy cô phải lặp đi lặp lại những thói quen tích cực.

thay-giao-suot-8-nam-dung-cong-truong-chao-hoc-sinh-1746597370.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uCYpkxupBUW6fq6BuQWd8Q
Thầy giáo suốt 8 năm đứng cổng trường chào học sinh

Thầy Bền đứng chào học sinh mỗi sáng ở cổng trường Tiểu học Trần Nhân Tông. Video: Phụ huynh cung cấp

Thầy Bền tốt nghiệp ngành Sư phạm tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2001. Thầy kể từng trăn trở và thử nhiều phương pháp dạy, tiếp cận học sinh với mong muốn các em học tập hiệu quả, vui vẻ, không áp lực. Từ đó, thầy nhận ra chỉ có dùng tình yêu và thể hiện sự quý mến với trẻ thường xuyên thì mới có được sự tin tưởng của học trò.

Ban đầu, thầy đứng chào học sinh tại lớp mình phụ trách, thể hiện sự thân thiện, nhưng chưa thành nền nếp. Năm 2017, khi được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng trường Tiểu học Lục An, thầy bắt đầu đứng ở cổng trường đón học sinh mỗi sáng. Hai năm sau, thầy Bền chuyển sang trường hiện tại - quy mô 1.300 học sinh, và duy trì thói quen này.

"Nhiều người nói tôi hâm", thầy chia sẻ.

Khi chào hỏi học sinh, thầy đóng vai là một đứa trẻ, làm để các em học theo. Mỗi học trò thích một kiểu chào, phần lớn là bắt tay, song có em muốn đập tay, xoay một vòng như đang khiêu vũ, cầu kỳ hơn là đập tay trái, tay phải hoặc yêu cầu nhấc lên.

"Tôi phải nhớ, nếu không các con dỗi", thầy Bền kể. "Đến giờ ăn trưa, các bạn đến ngồi cạnh, nhắc thầy sáng nay chào không đúng kiểu con thích".

Để làm được điều này hàng ngày, thầy Bền phải sắp xếp mọi việc chi tiết. Một ngày của thầy bắt đầu lúc 4h40. Sau khi nấu ăn cho vợ con, thầy Bền tập thể dục, làm việc nhà, ăn sáng và cùng con đi học lúc 6h15.

Bù lại, thầy Bền thấy được quý mến, phòng làm việc luôn có học sinh tới mỗi giờ giải lao. Phòng luôn được lau dọn sạch sẽ để các em đến chơi có thể lăn ra sàn đọc truyện, nô đùa. Tuy nhiên, thầy quy định các em chỉ được vào phòng khi có hai người trở lên, dù nam hay nữ.

"Tôi dạy học trò rằng thầy quý mến các con nhưng ngoài xã hội không phải ai cũng thế nên đi đâu cũng cần có ít nhất hai người để bảo vệ nhau, tránh bị xâm hại", thầy giáo kể.

thay-giao-1746599235-5581-1746600034.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cqVqRN5u3wPp8_FtlJocGg

Thầy Bền ăn trưa cùng học sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cảm nhận được sự quan tâm và chăm sóc học trò của thầy Bền, nhiều phụ huynh nhắn tin hoặc đến gặp trực tiếp để cảm ơn.

Chị Lê Thị Minh Phương, phụ huynh học sinh lớp 4, cho biết thầy được học trò quý mến gọi là thầy Ben. Lúc đầu, chị chưa quá chú ý đến việc thầy đứng ở cổng nhưng dần dần thấy ấn tượng, đặc biệt khi thói quen đó được duy trì dù trời mưa hay nắng.

"Các phụ huynh đều quý trọng thầy. Tôi lưu lại video thầy đứng chào để con xem và nhờ đó có thói quen tốt", chị nói.

Thầy Bền nhìn nhận được mọi người ủng hộ là niềm hạnh phúc của một nhà giáo.

"Cuộc đời một người làm nghề giáo chỉ mong thế thôi. Tôi cũng cảm thấy hài lòng với chính mình", thầy nói.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022