Cuối tuần này, Tất Minh cùng bố mẹ và cả Nguyễn Văn Hiếu, người đã cõng em đi học suốt 10 năm phổ thông, từ Thanh Hóa ra Hà Nội dự lễ trao bằng tốt nghiệp. Nam sinh sẽ nhận tấm bằng loại giỏi ngành Khoa học máy tính, nhờ đạt điểm toàn khóa (CPA) 3.23/4.
"Mình thấy nhẹ lòng vì đạt được mục tiêu đặt ra khi nhập học", Minh nói.

Nguyễn Tất Minh trong ngày bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Minh lớn lên ở Triệu Sơn, Thanh Hóa. Từ lúc lọt lòng, cậu bị dị tật, đôi chân và một tay co quắp, càng lớn càng teo lại. Suốt thời phổ thông, Minh được Hiếu, bạn cùng xóm, cõng đến trường.
Năm 2020, Minh trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội với 28,1 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) cùng 0,5 điểm ưu tiên. Còn Hiếu nhập học ngành Y khoa của Đại học Y Dược Thái Bình sau khi trượt nguyện vọng 1 vào Đại học Y Hà Nội vì thiếu 0,25 điểm.
Không có Hiếu ở bên, ông Nguyễn Tất Mây, bố của Minh, bỏ công việc ở quê lên Hà Nội chăm con. Dù được trường hỗ trợ xe lăn điện, bố trí ở tầng một trong ký túc xá, làm lối đi riêng để xe lăn lên xuống, những ngày đầu, ông Mây vẫn phải theo con tới trường rồi cõng con lên phòng học.
Cùng đó, vì chưa quen cách học mới, lượng kiến thức nhiều, kết quả học kỳ I của Minh không tốt. Trong đó, môn Đại số bị điểm thấp nhất - D+ (tương đương 5-5,4 điểm).
Vì đặt mục tiêu lấy bằng giỏi, từ kỳ II, Minh trau dồi khả năng tự học. Nam sinh học kỹ từng phần bài và làm nhiều bài tập, tự tìm kiếm tài liệu, đề thi trên mạng để ôn luyện. Ngoài ra, Minh học nhóm cùng các bạn để tăng hiệu quả, từ đó nâng dần điểm số.
"Mình không phải học lại môn nào nhưng có học cải thiện điểm", Minh cho hay. "Kỳ cao nhất mình đạt khoảng 3.5/4".
Phải sử dụng máy tính nhiều, trong khi chỉ có thể gõ phím bằng một tay, Minh dành nhiều thời gian tập luyện. Dù chậm hơn so với các bạn, Minh thấy không ảnh hưởng nhiều đến việc học.

Minh và bố ở ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội trong những ngày đầu nhập học, năm 2020. Ảnh: Dương Tâm
Dần dần, việc sinh hoạt của Minh và bố cũng thuận tiện hơn. Từ chỗ chưa quen di chuyển bằng xe lăn điện qua đoạn đường đông, nam sinh có thể tự đi mà không cần bố đi cùng. Nhà trường cũng xếp cho Minh học chủ yếu ở tầng 1. Khi phải học ở tầng cao, Minh đều được bạn bè hỗ trợ.
Ông Mây, bố Minh, ban đầu làm công việc bơm nước ở ký túc xá để chủ động đưa đón con đi học và nấu cơm, sau đã xin làm bảo vệ ở một quán cà phê gần trường.
"Bố mình từng bị tai nạn khi làm thợ khai thác đá nên sức khỏe yếu đi nhiều, không thể làm việc nặng nhọc", Minh kể. "Công việc bảo vệ phù hợp với bố, cũng giúp gia đình đỡ khó khăn, không phải phụ thuộc vào đồng lương công nhân của mẹ".
Điều khiến Minh tiếc nuối nhất là không thể tham gia các hoạt động đoàn, hội, câu lạc bộ do hạn chế vận động. Khi thực tập, Minh cũng chỉ tham gia một phòng thí nghiệm tại trường, rồi xin thực tập online ở một công ty, chủ yếu để trau dồi thêm chuyên môn. Minh cho rằng kiến thức về công nghệ thông tin liên tục cập nhật, phải trau dồi từng ngày mới có thể nắm bắt các công nghệ mới.
"Thành tích của Minh là minh chứng cho thấy nghị lực có thể vượt qua mọi giới hạn", Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá. Hệ thống của trường cũng ghi nhận Minh không nghỉ buổi học nào, dù gặp khó khăn trong di chuyển.

Minh được bạn bè chúc mừng trong ngày bảo vệ đồ án. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau tốt nghiệp, Minh muốn tìm việc đúng chuyên ngành ở quê nhà Thanh Hóa. Minh cũng dự định học thêm về AI để tăng cơ hội nghề nghiệp.
"Về quê có chút hụt hẫng. Cơ hội phát triển cũng không nhiều như ở Hà Nội. Nhưng đây có lẽ là lựa chọn tốt nhất với mình", Minh nói. "Mình làm việc ở quê, cả gia đình sẽ được ở cùng nhau".
Dương Tâm