Sáng 28/9, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người thầy đầu tiên viết bằng chân ở Việt Nam, qua đời ở tuổi 75. Bị liệt đôi tay khi bốn tuổi, nhưng 7 tuổi, Nguyễn Ngọc Ký vẫn quyết tâm đến trường và dùng chân để viết.

Đại tá, kỹ sư, nhà thơ quân đội Trần Ngọc Yến (76 tuổi) và thầy Ký học cùng trường cấp 3 A Hải Hậu từ năm 1963 đến năm 1966. Ông Yến kể, ngày đó, nhà ông Yến ở xã Hải Phúc, phải đi qua xã Hải Thanh của thầy Ký. Nhà cách trường vài cây số nên hàng ngày, các ông cùng nhau đi bộ chân đất lúc 4-5h sáng để kịp vào học lúc 6h30. Có lần trời mưa to, trên đường đi học về, thầy Ký bị ngã sái vai.

"Ở lớp, ông Ký được gia đình và nhà trường chuẩn bị một chiếc bàn riêng đặt cuối lối đi giữa hai dãy bàn. Ông ấy ngồi trên đó để viết bài", ông Yến nhớ lại.

-4012-1664368551.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Mt59stBUDY87fDdhrfKCZg

Ông Yến (phải) tới thăm người bạn Nguyễn Ngọc Ký tại nhà ở quận Gò Vấp, TP HCM, năm 1995. Ảnh: Ông Trần Ngọc Yến cung cấp

Trong ký ức của ông Yến, thầy Ký học tốt môn Toán, Văn, từng trong đội tuyển học sinh giỏi của trường và đi thi đạt giải. "Ông Ký có thể làm mọi việc mà không phiền đến mọi người. Chúng tôi giúp bạn đeo túi vải lên vai và tháo ra, còn lại ông ấy tự lấy được sách, vở trong túi bằng chân", ông Yến nói.

Ông Yến cho biết người bạn của mình không chỉ học giỏi, biết đan lát rổ, rá; viết, vẽ tranh đẹp mà còn tự làm việc nhà lẫn các công việc cá nhân.

"Ký đã cố gắng vượt qua số phận, trở thành một học sinh bình thường như các bạn khác. Những năm đó, người Nga đã ví ông Ký như Paven (nhân vật trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky) của Việt Nam", ông Yến chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Ký từng hai lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi. Năm 1966, ông trở thành sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

-4040-1664368551.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OqZ9pjNp8l554xE7Xo9s3w

Thầy Nguyễn Ngọc Ký hồi trẻ. Ảnh in trên bìa sách Tôi học đại học, Nhà xuất bản Trẻ

Cũng là sinh viên nhập học khoa Ngữ văn tháng 9/1966, nhà báo Trần Đức Nuôi, nguyên phóng viên Đài phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhớ ngày đầu đến giảng đường được dựng bằng tre nứa lá ở Đại Từ, Thái Nguyên, ông ngạc nhiên thấy cuối lớp học có chiếc bàn rất lạ, chỉ hơi cao hơn chỗ ngồi một chút. "Ngồi đó có con người cũng khác lạ - viết bằng chân. Sau này, tôi mới biết đó là sinh viên Nguyễn Ngọc Ký đến từ Nam Định", ông Nuôi, nay 76 tuổi nhớ lại.

Sau đó, Nguyễn Ngọc Ký cùng hai bạn học Nuôi, Dũng ở trọ cùng một nhà. Cả ba nằm trên một tấm phản rộng, nhưng Ký luôn được nhường vị trí trong cùng để không lăn xuống đất. "Mỗi lần Ký muốn đi vệ sinh, tôi đỡ bạn dậy, tính đưa Ký ra vườn nhưng bạn luôn xua tay 'tớ làm được'. Mùa đông, trời rét nhưng Ký mặc quần đùi để tiện vệ sinh cá nhân", ông Nuôi kể.

Nhiều lần, Nguyễn Ngọc Ký là người hỗ trợ bạn nhờ đôi chân khéo léo của mình. "Hôm đó, tôi khâu áo nhưng đánh rơi kim xuống kẽ chiếu, không sao lấy được. Ký cười khà khà rồi bảo để tớ. Bạn đặt ngón chân xuống kẽ chiếu và lấy kim đưa cho tôi. Tôi phục sát đất, chân của Ký còn khéo hơn tay tôi", ông Nuôi nói.

Tôi đi học - tự truyện nổi tiếng của Nguyễn Ngọc Ký được viết trong thời gian này, với phần mở đầu trích lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương vượt khó tuyệt vời. Quý lắm. Đoàn cần nhân rộng để các em học tập. Tuổi thơ Việt Nam bây giờ hơn lúc nào hết cần biết ước mơ, biết phấn đấu, đặc biệt vượt qua chính mình như Nguyễn Ngọc Ký để thành đạt".

Ông Nuôi cho biết Nguyễn Ngọc Ký có hai ước mơ: nghiên cứu văn học hoặc trở thành giáo viên. Ký yêu văn và luôn muốn cống hiến, dành nhiều thời gian cho lĩnh vực này. Cuối cùng, Ký chọn trở thành nhà giáo với mong muốn có thể truyền cảm hứng về văn chương, cách sống tích cực cho các thế hệ học sinh.

Năm 1970, thầy Ký tốt nghiệp đại học và được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng một chiếc bút máy. Thầy sau đó về dạy tại trường Cấp 2 Năng khiếu Hải Hậu, nay là trường THCS Hải Hậu, Nam Định.

Trong mắt học trò, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký mang dáng hình của một người cha. Anh Vũ Lương, 49 tuổi, được thầy ký dạy Văn bồi dưỡng tại trường Cấp 2 Năng khiếu Hải Hậu. Lớp chuyên Văn có 10 người, trong đó có ba học sinh nam. Các nam sinh được ở ký túc xá cùng thầy trong những ngày ôn luyện. "Thầy chăm sóc chúng tôi như con. Chạy nhảy, quần áo mắc vào cây bị rách thì thầy khâu lại", anh Lương cho hay.

Những ngày mùa đông, thầy thường dậy sớm đun nước để khi học sinh dậy đã có nước nóng đánh răng, rửa mặt. Thầy còn quét nhà, gấp chăn màn cho học sinh. Anh Lương thích nhất cảm giác khi được thầy Ký ôm vì khi đó, cả hai cánh tay của thầy sẽ vòng qua người, vắt lên vai anh.

Cùng khóa với anh Lương, chị Trịnh Thị Xuân, hiện là giáo viên trường Tiểu học Hải Phúc (Nam Định), cho biết "ngay đến cả cách đi đường, tham gia giao thông như thế nào, nên đi cách xe phía trước bao nhiêu mét, thầy cũng dặn chúng tôi".

Vì không thể viết bằng tay, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký gần như không sử dụng phấn và bảng đen để giảng bài. Thay vào đó, trước mỗi buổi học, thầy sẽ ghi nội dung chính của bài lên các tấm bìa carton hoặc giấy roki. Khi giảng đến nội dụng nào, thầy sẽ treo tấm bảng có phần đó để phân tích cho học trò. "Các bài giảng của thầy có một sức cuốn hút lạ thường, chúng tôi học say mê", chị Xuân nói.

Năm 1992, thầy Nguyễn Ngọc Ký được trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Trong lần gặp lại cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi vào TP HCM chữa bệnh, thầy Ký được khuyên ở lại đây. Thời gian đó, vợ thầy Ký ở Hải Hậu bị bệnh, được bạn bè đưa lên Hà Nội chữa trị gần hai tháng. Sau khi ra viện, vợ chồng thầy Ký được bạn bè hỗ trợ vào TP HCM, năm 1994.

-9457-1664368551.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f8SEi-8_tFgus-fni1tpCg

Anh Lương (áo trắng) cùng vợ chồng thầy Nguyễn Ngọc Ký trong lần gặp mặt thầy vào trò trường Cấp 2 Năng khiếu Hải Hậu, Nam Định, năm 2017. Ảnh: anh Vũ Lương cung cấp

Đại tá Nguyễn Trung Sơn, bạn học cùng cấp ba và đồng hành cùng thầy Ký khi cả vợ chồng ông bị bệnh, cho biết khi vào Sài Gòn, thầy Ký đi nói chuyện truyền cảm hứng ở nhiều nơi và được một số trường mời làm giáo viên. Khi công tác tại một trường ở Thủ Đức, gia đình thầy Ký ở tại một gian nhà trong trường. Thấy cuộc sống gia đình bạn khó khăn khi vợ bị tai biến, nằm liệt giường; các con còn nhỏ, ông Sơn viết bài gửi các báo, mong nhận được sự ủng hộ. "Ký từng nói một câu khiến tôi nhớ mãi: 'Bài viết của bạn có nhuận bút khổng lồ nhưng bạn không được nhận mà tôi được nhận'", ông Sơn kể.

Cô giáo Trịnh Thị Xuân nói mình theo và gắn bó với nghề Sư phạm là vì được truyền cảm hứng từ nhân cách và nghị lực của thầy Ký. Lần đầu tiên gặp thầy, chị và các bạn rất tò mò về "thầy giáo làm mọi thứ bằng chân", nên đến giờ ăn, chị cùng một số bạn học đứng ngoài cửa để tận mắt nhìn thấy người thầy đặc biệt. "Thấy bọn tôi thập thò, thầy cười rồi vẫy 'các trò vào đây' nhưng cả lũ ù té chạy", chị Xuân nhớ lại. Sau này khi học Sư phạm, chị vẫn được thầy khuyên nên nhẹ nhàng, gần gũi với học sinh để hiểu tâm tư các em. Có vậy, việc giáo dục mới hiệu quả.

bo-sung-anh-thay-nguyen-ngoc-ky-1664337174.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bPww4RmD1bXHbIM_k7-qPA
Bổ sung ảnh thầy Nguyễn Ngọc Ký

Thầy Nguyễn Ngọc Ký trong cuộc sống thường ngày, tháng 9/2013. Video: Lê Phương

Đã vài năm nay, ông Sơn chưa có dịp trực tiếp gặp lại bạn học nhưng vẫn giữ liên lạc. Họ thường gửi cho nhau những bài thơ và tâm sự về cuộc sống. "Nghị lực chính ở Ký. Ông ấy bị thận gần 20 năm qua, phải chạy thận ba buổi một tuần. Tưởng 'đi' lâu rồi nhưng cuối cùng, với sự tiếp sức của các bạn đồng môn, Ký đã vượt qua và đến được tuổi 75", ông Sơn chia sẻ.

Nhà báo Trần Đức Nuôi nói thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã "nghị lực cả cuộc đời". Trong ký ức của ông, mỗi khi kết thúc câu chuyện nhỏ, hay một việc làm, Ký đều để lại nụ cười hiền, sảng khoái. "Bạn để lại trong lòng mọi người nghị lực và nụ cười tin mến", ông viết.

Bình Minh - Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022