photo-1-1673645462806526872049.jpeg

Buổi họp báo do Trường HUFLIT cùng Trường Quân sự Quân khu 7 tổ chức hôm 12-1 khẳng định tin 'nữ sinh Trường HUFLIT bị xâm hại khi học quân sự' là tin giả, xuyên tạc - Ảnh: HUFLIT

Thạc sĩ TRẦN NAM (giảng viên xã hội học truyền thông đại chúng):

Chế tài mạnh người tung tin giả để mạng xã hội lành mạnh hơn

Với sự phát triển của nền tảng trực tuyến, người dân tham gia rất nhiều vào các trang mạng xã hội.

Xét theo sự tham gia của người dân vào mạng xã hội thì người Việt đang ở giai đoạn say mê mạng xã hội và giai đoạn này sẽ phát sinh rất nhiều hiện tượng lệch chuẩn. Những hiện tượng này không tự hình thành cơ chế tự điều chỉnh đủ mạnh.

Chế tài theo luật là điều rất cần thiết để giúp mạng xã hội trở nên lành mạnh, đồng thời răn đe và ngăn ngừa những người phát tán tin giả trong tương lai.

Nếu quan sát, chúng ta thấy có rất nhiều sự xâm phạm đời tư cá nhân, tin giả, tin bịa đặt, vu khống trên mạng xã hội và điều này đòi hỏi pháp luật cần điều chỉnh. Xã hội văn minh, con người cần ứng xử dựa trên nền tảng luật pháp.

Thạc sĩ PHÙNG QUÁN (giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM):

Giúp sinh viên có "đề kháng" trước tin giả

Trong thời đại số, trên các mạng xã hội có không ít thông tin xấu độc, xuyên tạc, giả mạo, lừa đảo… đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của giảng viên, sinh viên và người dân.

Do vậy nhà trường phải trang bị cho giảng viên, sinh viên kiến thức để nhận diện âm mưu, phát hiện tin giả. Nhà trường cần có thêm các buổi sinh hoạt chuyên đề, tập huấn kỹ năng cách ứng xử trên mạng xã hội để giúp sinh viên có "đề kháng" trước tin giả. Từ đó, sinh viên ý thức và thực hiện tốt việc không bình luận hay chia sẻ các bài viết, video chưa được kiểm chứng, viết theo lối suy diễn một chiều và nhận diện một số trang fanpage phản động, giả mạo trên mạng xã hội.

Trên không gian mạng, mọi người có thể "ẩn danh", nhưng hành vi, hành động trên mạng không hề là ảo. Thông tin giả, bịa đặt được chia sẻ và bất kỳ ai chia sẻ, đăng trên mạng xã hội với mục đích xuyên tạc, vu khống, đăng tin thất thiệt xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân, đơn vị, lợi ích cộng đồng cũng như của quốc gia đều phải xử lý theo quy định pháp luật.

Thạc sĩ NGUYỄN TRẦN NGỌC PHƯƠNG (giảng viên Trường đại học Công nghệ TP.HCM):

Bình tâm để nhận diện tin giả

Nếu tin giả phát tán không kiểm soát sẽ mang lại rất nhiều hệ lụy cho tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp và cũng liên đới hàng loạt vấn đề khác.

Hiện nay, nhiều trường đại học đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề nhằm định hướng văn hóa tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, nhưng tôi nghĩ đây là hành trình dài và nằm trong ý thức sâu sắc của mỗi cá nhân.

Luật An ninh mạng với các điều khoản rõ ràng: nếu sai - dù có mang động cơ gì đi chăng nữa, pháp luật cũng sẽ có cách xử lý.

Qua nhiều vụ thông tin chưa được kiểm chứng nhưng đẩy đi quá xa, tôi nghĩ ở góc độ người tiếp nhận thông tin cần bình tâm, tĩnh lại một chút, phân tích sâu một chút về tính "fake" (giả mạo) của thông tin, hợp lý hay không hợp lý… Trước khi đăng tin gì trên mạng xã hội, bạn nên tìm hiểu rõ nguồn, chọn lọc các kênh chính thống.

TRẦN NGỌC TÂN (sinh viên năm cuối Trường đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM):

Phải tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội

Là người thường tỉnh táo trước các thông tin trên mạng xã hội, nhưng thật sự khi coi các clip, bài viết về vụ "sinh viên Trường HUFLIT bị xâm hại", ban đầu tôi cũng nghĩ vụ việc này có thật vì có quá nhiều người chia sẻ, bình luận viết bài… y như thật.

Hơn nữa, thực tế bản thân những vụ việc "giật gân" như thế này đều luôn thu hút sự quan tâm rất lớn của đông đảo mọi người.

Theo tôi, việc đăng bất kỳ thông tin nào chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội là điều cực kỳ nguy hiểm. Vụ việc vừa qua cho thấy tin giả gây tác động khủng khiếp đến mức nào, khiến cả xã hội hoang mang.

Điều chắc chắn là không thể tách rời người trẻ với không gian mạng, nhưng thực tế cho thấy không ít bạn sinh viên rất vô tư chia sẻ các nội dung đọc được trên mạng mà có khi không cần kiểm chứng, không cần đến bước xác thực nguồn tin.

Thực ra có làm bao nhiêu chương trình truyền thông, chia sẻ kỹ năng hay bao nhiêu buổi phổ biến kiến thức pháp luật và nói về bao nhiêu luật đi chăng nữa mà tự thân mỗi sinh viên không chịu tìm hiểu, tự trang bị thông tin cho mình thì cũng không thấm vào đâu.

Do vậy, chính các bạn sinh viên cần phải tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội. Biết nghi ngờ và tìm câu trả lời cũng là trách nhiệm với mỗi dòng tin mình chia sẻ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022