Tránh tập trung vào hai ngôn ngữ cùng lúc
Tiếp xúc đồng thời với hai ngôn ngữ, não phải "chuyển đổi trạng thái" liên tục. Việc chuyển từ thứ tiếng khó hơn sang dễ hơn thường không phải vấn đề, nhưng ngược lại thì cần nhiều nỗ lực.
Chẳng hạn khi học tiếng Trung, nếu bạn nhận được tin nhắn hay cuộc gọi bằng tiếng mẹ đẻ, việc tạm dừng học để trả lời rất đơn giản, do bạn đang chuyển trạng thái từ tiếng khó hơn sang dễ hơn. Nhưng ngược lại, khi trở lại với việc học, bạn sẽ cần nhiều thời gian để tập trung.
Bài học ở đây là: đừng để thứ tiếng khác gây xao nhãng và ảnh hưởng đến quá trình học ngoại ngữ. Hãy cố gắng tạo ra một môi trường không có sự xuất hiện của ngôn ngữ khác thứ tiếng bạn đang học.
Nếu học tiếng Pháp, bạn chỉ nên nghe nhạc Pháp, đọc tin tức, suy nghĩ đến những cụm từ đơn giản bằng tiếng Pháp. Quyết liệt hơn, bạn có thể loại bỏ tất cả những gì trên bàn học không liên quan đến tiếng Pháp, thậm chí cài đặt ngôn ngữ trên điện thoại và máy tính bằng tiếng Pháp. Bạn sẽ sớm cảm nhận được sự khác biệt.
Học cả những lúc mệt mỏi
Chúng ta thường đặt ra mục tiêu học ngoại ngữ vào những lúc có nhiều năng lượng nhất, vậy những lúc mệt mỏi thì sao? Bạn có thể vừa đi dạo ở công viên để giải trí, thư giãn nhưng cũng vừa nghe podcast bằng ngoại ngữ đang học; đọc một cuốn tiểu thuyết có nội dung phù hợp với trình độ hiện tại, tìm hiểu lời bài hát. Bộ não của bạn sẽ hoạt động mà bạn không hay biết. Nó sẽ lưu trữ thông tin và hiển thị lại khi cần thiết.
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng nên học như vậy, nhưng sẽ có những thời điểm đó là cách duy nhất để bạn "ngấm" được kiến thức. Hãy tận dụng tối đa thời gian nghỉ để vẫn có thể học được.
Ảnh: istock
Xác định mục tiêu cụ thể
Mỗi khi quyết định học một ngoại ngữ nào đó, bạn cần tìm ra lý do để học và đặt mục tiêu rõ ràng. Những mục tiêu này gồm cả thời gian và công sức mà bạn sẵn sàng bỏ ra để học một ngôn ngữ mới.
Ví dụ, trong vòng một tháng, bạn phải thuộc các từ vựng liên quan đến hải sản; đến cuối năm nay, bạn phải nghe hiểu được bản tin thời sự tối bằng ngôn ngữ đang học; trong vòng ba tuần, bạn phải quyết định xem mình cần những tài liệu gì; đến tháng 9 năm sau, bạn có thể tham gia dạy một khóa học bằng ngôn ngữ đó ở cấp độ đại học.
Tạo ra cách học riêng và tận hưởng thời gian tự học
Một trong những cách hiệu quả nhất là tự sáng tạo các hoạt động riêng trong khi học. Điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn đã vượt qua trình độ cơ bản khi học ngôn ngữ mới.
Bạn cần biết bản thân muốn gì và tiến độ học tập hiện tại ra sao (thay vì dựa vào kết quả đánh giá của trường), đồng thời tìm ra định hướng học liên quan đến bạn và những mục tiêu đã đặt ra.
Bạn có thể tự trả lời một số câu hỏi như: Điểm yếu hiện tại của mình là gì? Mình đang cần cải thiện lĩnh vực nào? Mình cần học từ vựng về chủ đề gì? Mình đang ngần ngại điều gì?.
Ví dụ, bạn vừa nghe nhạc vừa đọc lời và hát theo, sau đó tự hát mà không cần đọc lời. Bạn có thể viết nhật ký bằng ngôn ngữ đích, mỗi ngày thêm vào đó một vài cụm từ.
Vui vẻ chấp nhận sai lầm
Nếu phát âm sai, mắc lỗi khi dùng ngoại ngữ, bạn có thể tự cười chính mình, chấp nhận sai lầm, nhưng đừng bỏ qua nó. Bạn nên nhờ chính những người bản xứ hoặc bạn bè, đồng nghiệp đang giao tiếp với mình sửa giúp.
Trong trường hợp không có ai hỗ trợ, bạn có thể dùng các công cụ trên Internet hoặc tham gia các lớp học, nhờ giáo viên góp ý. Không nên sợ mắc sai lầm, vì điều này sẽ cản trở bạn học hỏi từ chính sai lầm đó.
Học cách suy nghĩ bằng ngôn ngữ đích
Nếu muốn học ngoại ngữ thật nhanh, hãy im lặng, nói ít đi và suy nghĩ nhiều hơn. Mỗi khi mắc sai lầm, bạn không nên lờ đi mà cần suy nghĩ và tự hỏi bản thân: Mình sai ở đâu? Mình có thể rút ra điều gì?
Thậm chí, hãy viết ra những lỗi sai đó, chẳng hạn một số từ bạn thường viết hoặc phát âm không chính xác. Điều này còn giúp bạn bỏ thói quen dịch từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang ngôn ngữ đích, vốn là nguyên nhân cản trở phản xạ nghe-nói của bạn.
Rèn trí nhớ
Một trong những cách tốt nhất để rèn trí nhớ là thông qua liên tưởng bằng hình ảnh. Cách này không những giúp bạn ghi nhớ các chi tiết không liên quan đến nhau, mà còn giúp bạn hình thành nhiều thói quen liên kết và tưởng tượng, giúp não bộ định hình lại nội dung học.
Trao đổi ngôn ngữ
Học ngoại ngữ một mình có thể gây nhàm chán, một cách khắc phục cho tình trạng này là tìm người luyện tập cùng. Đó có thể là người cũng đang học ngoại ngữ giống bạn, hoặc là người bản xứ và muốn học tiếng mẹ đẻ của bạn.
Một trong những điều đầu tiên phải xác định khi tìm người luyện tập cùng là xác định mục tiêu chung. Bạn có thể tìm những người này thông qua bạn bè hoặc trên các diễn đàn học ngoại ngữ. Nếu tìm trên mạng, hãy xem trang cá nhân để biết mục đích học ngoại ngữ của họ là gì.
Khi gặp họ, bạn cần giới thiệu bản thân và nói rõ mục đích của buổi trò chuyện là để học ngoại ngữ. Bạn cũng giúp họ giải tỏa những thắc mắc (ví dụ thiếu kinh nghiệm giao tiếp, thiếu từ vựng, muốn dừng cuộc trao đổi...). Cuối cùng, bạn sẽ nêu ra quy tắc trò chuyện (chẳng hạn dành ra một giờ để nói ngôn ngữ của mỗi bên).
Minh Tuấn (Theo Fluent in 3 months)