Nguyễn Hoàng Huy (sinh năm 1997) là sinh viên Việt Nam đầu tiên cũng là sinh viên Đông Nam Á đầu tiên của học bổng Erasmus Mundus - IFRoS (Intelligent Field Robotic Systems) khóa thứ 2. Đây là chương trình học bổng thạc sĩ toàn phần được cấp bởi Liên minh châu Âu hàng năm. Các bạn nhận học bổng sang ít nhất 2-3 nước châu Âu để học thạc sĩ và có rất nhiều ngành khác nhau vì thế luôn có sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt.

photo-2-1671432100385310932902.jpg

Nguyễn Hoàng Huy

Huy cho rằng, khá nhiều bạn sinh viên khi có ý định học tiếp bậc thạc sĩ phân vân chuyện có nên học hay không, hoặc có trường hợp nào học giữa chừng mà bỏ về hay không? Từ chính câu chuyện của bản thân, những trải nghiệm chương trình học, Huy đã phần nào giải đáp những thắc mắc này.

1. Học thạc sĩ có khó hay không?

Theo Huy, câu trả lời có hay không tùy thuộc vào năng lực của mỗi cá nhân, chương trình theo học và quốc gia mà bạn theo học... Với chương trình Huy học, năm nay IFRoS nhận 15 bạn trên tổng số gần 1000 hồ sơ, tuy chỉ là năm thứ 2 nhưng độ cạnh tranh đã rất cao. Do đó, có thể cho thấy những bạn được nhận đã có "background" khủng thế nào.

"Đơn cử bạn teammate (người cùng đội) cũ của mình, tên A, đến từ Bangladesh. Bạn tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Computer Science (Khoa học máy tính) với 3, 4 publication (ấn phẩm/công trình/tài liệu được xuất bản) lớn nhỏ, là researcher (nghiên cứu sinh) của 1 lab tại đại học. Bạn cũng có 2 năm kinh nghiệm làm việc về mảng software (phần mềm), và nhiều giải thưởng nho nhỏ trong lúc học đại học.

Tuy nhiên, trái ngược với bảng thành tích ấy, chỉ sau 1 tháng theo học chương trình thì bạn ấy đã bị stress nặng, bỏ học trên lớp và không nộp bài tập. Mọi người trong lớp và ngay chính bản thân mình đã dành 2 tiếng đồng hồ để khuyên nhủ bạn ấy cố gắng nắm bắt cơ hội và hoàn thành 2 năm thạc sĩ. Nhưng cuối cùng bạn lựa chọn từ bỏ và quay trở về nước chỉ sau 2 tháng theo học chương trình", Huy chia sẻ.

Lý do khiến sinh viên này bỏ cuộc giữa chừng được Huy giải thích:

Đầu tiên về khối lượng kiến thức trong kỳ này mà Huy và các bạn cần thực hiện. Kỳ đầu tiên khối lượng tín chỉ cần đạt là 30 chia đều cho 5 môn học. Vì đặc thù là ngành về AI và Robotics nên 5 môn học sẽ kèm theo 5 labs nên tổng cộng có 10 buổi học mỗi tuần. Tương ứng với mỗi lab sẽ có 1 assignment (bài tập) sau mỗi buổi học, deadline (hạn nộp) là 1 tuần trước buổi học kế tiếp. Tương ứng với mỗi môn lý thuyết cũng là 1 bài tập sau mỗi buổi học. Tóm lại, học viên sẽ có trên dưới 10 deadlines mỗi tuần. Vì đặc thù Robotics nên 98% là lập trình, 2% còn lại là viết báo cáo dựa trên kết quả lập trình.

Theo Huy, nhiều người có thể bảo lập trình cũng không khó lắm, trên mạng bây giờ cái gì cũng có, copy code rồi chỉnh sửa là xong. Nhưng code Huy và các bạn phải viết là dựa trên thuật toán và các vấn đề thực tiễn được biên soạn từ những giáo sư đầu ngành nên google cũng chỉ cho bạn công cụ chứ không cho bạn cách giải. Nên để hoàn thành bạn chỉ còn cách hiểu tường tận kiến thức trên lớp và áp dụng vào lập trình.

"Bạn A xuất phát điểm là Computer Science nhưng chương trình tích hợp nhiều kiến thức toán học và thuật toán nên bạn ấy gặp khó khăn trong việc thu nạp kiến thức, cộng thêm áp lực deadline quá nhiều khiến bạn ấy phải từ bỏ. Tuy rằng, mọi người đã khuyên nhủ nhưng cũng ủng hộ quyết định của bạn ý. Mình đã từng trách móc bạn vì đã để mình giải quyết các bài tập nhóm một mình và hơn hết lựa chọn bỏ về cũng chính là tước đi cơ hội của 1 bạn khác, nhưng cuối cùng cũng cảm thông và nghĩ rằng có thể bạn ấy muốn theo đuổi đam mê của bản thân nên lựa chọn như vậy", Huy nói.

Sau 2 tháng thì tổng số chỉ còn lại 12 bạn. 2 bạn bỏ về nước và 1 bạn bảo lưu kết quả sang năm sau. Không chỉ riêng bạn A mà tất cả các bạn trong lớp cũng đều cảm thấy áp lực như nhau. Có bạn cũng đã từng khóc khi lên xe buýt từ nhà đến trường. Ngay cả bản thân Huy cũng từng nghĩ biết vậy chọn học bổng khác, chương trình khác có thể sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, các bạn đã cùng nhau đi hết chặng đường đầu tiên và cũng đã quen với deadline cũng như kỹ năng, nhờ đó tiến bộ hơn rất nhiều từ những khó khăn đã trải qua.

Chính vì vậy, Huy cho rằng, kết luận rằng khó hay không cũng tùy thuộc vào khả năng và bản lĩnh của bản thân có vượt qua được thử thách hay không. Hãy nhớ "Lửa thử vàng, gian nan thử sức" để cố gắng là được.

2. Có nên học thạc sĩ hay không?

Huy cho rằng, thay vì cá cược tương lai mình vào câu trả lời của người khác được, bạn nên hỏi chính bản thân mình trước và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Cá nhân Huy khi còn học Đại học tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã có người khuyên nên học lên cao nữa hay giáo sư ngỏ lời trợ giúp nghiên cứu, nhưng lúc đó câu trả lời của Huy vẫn là không. Đơn giản, vì lúc đó cậu muốn đi làm để thoát khỏi cảnh "mài đũng quần" trên ghế nhà trường. Đến khi làm công ty thì "trộm vía" gặp được các đồng nghiệp quá xuất sắc và đều xuất thân từ thạc sĩ. Lúc ấy ý định đi học thạc sĩ của Huy cũng nhen nhóm và bắt đầu hoàn thiện hồ sơ cá nhân với sự giúp đỡ của nhiều tiền bối.

photo-1-1671432097909631355661.jpg

Khi ấy công việc của Huy cũng rất thuận lợi, công ty trả mức lương khá hậu hĩnh. Nhưng sau một thời gian làm việc, bản thân Huy tự nhận thấy rằng mình còn thiếu nhiều thứ mà với công việc hiện tại khó có thể đột phá lên được. Và chỉ có con đường học thạc sĩ mới là bệ phóng ở tương lai. Đến ngày hôm nay, những lựa chọn ở quá khứ chưa bao giờ làm Huy hối hận.

"Khi người quyết định là mình thì trách nhiệm cũng phải do bản thân tự gánh. Như vậy mới có động lực để vượt qua mọi khó khăn. Cho nên, lời khuyên từ chính bản thân mình là ở bất cứ thời điểm nào, đứng trước những quyết định quan trọng của cuộc sống, hãy hỏi chính bản thân mình rằng: Mình làm điều đó vì cái gì? Nếu đã chọn thì chí ít hãy theo đuổi đến cùng, dù thất bại hay thành công thì ít ra bạn cũng biết là bản mình đã cố gắng hết sức rồi", Huy chia sẻ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022