Cách đây ít lâu, trên mạng xã hội lan truyền một tình huống gây tranh cãi: Cô con gái đang học lớp 11, khi đang nắm tay một bạn nam đi trên đường thì bị mẹ bắt gặp. Khi về nhà, người mẹ đã xé quần áo, đánh con không nương tay và xúc phạm con bằng đủ những từ ngữ khó nghe.

Trong khi đó, Viên Hồng, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, đã bay tới Singapore vào ngày sinh nhật thứ 18 của con trai để tặng cậu một món quà đặc biệt: Một lá thư và bao cao su. Trong bức thư của mình, giáo sư đã nói với con: Từ giờ trở đi, con là người lớn. Người lớn phải học cách chịu trách nhiệm, không chỉ biết bảo vệ mình mà còn phải biết bảo vệ người khác. Cậu bé đã rất cảm động. Cách giáo dục con của vị giáo sư cũng nhận về hàng ngàn lời ngợi khen.

Nhiều cha mẹ bỏ bê việc giáo dục giới tính cho con, đến khi phát hiện ra con yêu đương hay có hành vi "người lớn", lúc đó mới cuống cuồng ngăn cấm, đe dọa. Tuy nhiên, nếu cứ giáo dục giới tính cho trẻ bằng bạo lực, cấm đoán thì phản ứng của người lớn càng dữ dội, trẻ càng dễ gặp rủi ro. Cách duy nhất và hiệu quả nhất chính là xóa bỏ định kiến, tâm lý ngại ngùng để đồng hành cùng con.

"Liệu nói chuyện giới tính, con tôi có dậy thì sớm?"

Một nữ sinh từng tâm sự: Lên cấp 2, cô và chị em trong gia đình bị bố mẹ dọa rằng nếu nắm tay con trai thì sẽ có thai. Kết quả là cô trốn dưới giường và khóc cả đêm vì một lần lỡ bị bạn cùng lớp cầm tay. Cho đến khi vào đại học, những người xung quanh cô vẫn cố tình tránh nói về những chủ đề như vậy. Nhưng bất chấp cách giáo dục "né tránh" cực đoan, em họ của cô đã mang thai ngoài ý muốn ở tuổi 14.

Mỗi khi đăng một bài viết về giáo dục giới tính trên các hội nhóm, không khó để nhận thấy luôn có những câu hỏi như thế này: "Có quá sớm để bắt đầu giáo dục giới tính từ lớp 1 tiểu học?"; "Có quá sớm để nói với một đứa trẻ 6 tuổi về việc xuất hiện kinh nguyệt không?".

Ngay khi nhiều cha mẹ châu Á còn đang đau đầu tự hỏi việc dạy kiến thức giới tính cho trẻ bảy, tám tuổi có sớm quá hay không thì một nữ sinh người Đức đã cho biết, khi còn học lớp đầu tiểu học, mẹ cô đã giải thích những kiến thức ấy với con bằng đạo cụ, còn chỉ rõ biện pháp tránh thai thì nên thực hiện ra sao. Và theo cô, giáo dục giới tính không chỉ dành cho các bé gái, bởi cha cô cũng dạy anh trai cô cách bảo vệ phụ nữ và bảo vệ chính mình.

photo-2-1671379125173703280927.jpg

Nhiều bậc cha mẹ có thể cảm thấy khó tin. Họ tự hỏi: Liệu nói những điều này với con quá sớm có khiến con bị ám ảnh và dậy thì sớm? Thực ra, sự khởi đầu tính dục của trẻ là quy luật phát triển sinh lý tự nhiên, nó sẽ không vì bạn phổ cập kiến thức sớm mà đẩy nhanh tiến độ lên, cũng không vì bạn trốn tránh mà bị dập tắt.

Lấy Hà Lan làm ví dụ. Một cuộc khảo sát từng cho thấy: Trẻ em Hà Lan bắt đầu được giáo dục giới tính từ năm 4 tuổi, tìm hiểu về các cơ quan sinh sản khi 8 tuổi và tìm hiểu về xu hướng tính dục và biện pháp tránh thai khi 11 tuổi.

Kết quả là những thanh thiếu niên Hà Lan đã học về biện pháp tránh thai trước tuổi dậy thì đã không gặp rắc rối trong cuộc sống riêng tư. Hành vi quan hệ tình dục lần đầu của họ thậm chí còn muộn hơn so với các nước Âu Mỹ khác và tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn thấp nhất thế giới. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, chương trình giáo dục giới tính trong trường học bị bỏ trống hoặc sơ sài.

Tại sao giáo dục giới tính nên được thực hiện càng sớm càng tốt?

Bởi vì ngày nay, khi thông tin Internet phát triển và đủ loại nội dung "người lớn" tràn lan, việc cha mẹ muốn tạo ra một môi trường "vô trùng" cho trẻ em là điều vô nghĩa. Theo một báo cáo năm 2016, các cách chính để thanh thiếu niên Trung Quốc tiếp thu kiến thức về tình dục là: Đĩa CD khiêu dâm, đồ họa Internet, các tác phẩm điện ảnh và truyền hình. Không cần phải nói, ai cũng biết quan điểm về tình dục trong phim "đen" méo mó như thế nào.

Trẻ em có ít khả năng lọc thông tin. Thay vì để trẻ tiếp thu những kiến thức không phù hợp, không đúng đắn từ những kênh "lộn xộn" này, chẳng phải cha mẹ nên đặt tiêu chí dạy con giới tính lên hàng đầu hay sao?

Tồi tệ hơn lo lắng về cái gọi là dậy thì sớm là hậu quả của việc thiếu vắng về giáo dục giới tính.

Chúng ta nghĩ giáo dục giới tính là quá sớm, nhưng tội phạm tình dục không nghĩ con mình còn quá nhỏ. Tất nhiên, nếu nói một cách đơn giản về việc tình dục là có hại sẽ truyền tải cho con thông điệp tình dục là tiêu cực. Nó có thể khiến một số trẻ chưa từng tiếp xúc với tình dục cảm thấy xấu hổ và tội lỗi về tình dục, thậm chí ảnh hưởng đến các mối quan hệ thân thiết sau này của chúng.

Ở những nước có nền giáo dục giới tính phát triển tốt hơn, việc mô tả giới tính có xu hướng tích cực. Giống như nước Pháp, cha mẹ không bao giờ ngại ôm và hôn trước mặt con cái. Họ để trẻ cảm nhận được dòng chảy yêu thương từ cha mẹ. Khi học sinh 13 tuổi, nhà trường sẽ sử dụng video để tiến hành giáo dục giới tính. Ví dụ, nếu bạn trai của em muốn quan hệ tình dục và anh ấy không vui sau khi bị từ chối, em nên làm gì vào lúc này? Thật tuyệt khi hướng dẫn các cô gái có quyền nói KHÔNG mà không có bất kỳ hình ảnh tiêu cực nào về tình dục.

Với vấn đề kinh nguyệt, ở Nhật Bản cũng có cách tiếp cận đáng học hỏi. Vào ngày con gái có kinh lần đầu tiên, bố mẹ sẽ chuẩn bị món cơm đậu đỏ để mừng cô gái trở thành người phụ nữ trưởng thành theo đúng nghĩa! Khác với nhiều bố mẹ ở nhiều quốc gia khác, né tránh chuyện kinh nguyệt dẫn tới những sự "kỳ thị" về vấn đề này.

photo-1-16713791232701643837536.png

Một số bậc cha mẹ sử dụng những suy nghĩ méo mó của mình để tác động đến quan niệm tình dục của con cái. Cần nhớ, giáo dục giới tính không chỉ là về sinh lý, mà còn về bình đẳng giới, về quan hệ giữa các cá nhân; Giáo dục giới tính tốt phải là trao quyền, có như vậy trẻ mới có khả năng nói "không" với xâm hại tình dục.

Quá nhiều cha mẹ coi con cái như một cỗ máy học tập, như thể nhiệm vụ duy nhất của chúng trước tuổi trưởng thành là thành tích và điểm số. Nhưng nhiệm vụ thực sự của một đứa trẻ là lớn lên! Trưởng thành không chỉ về tri thức mà còn là trưởng thành về nhân cách, tâm sinh lý. Và trong hành trình đó, sự đồng hành của cha mẹ, sự cởi mở và thay đổi về quan điểm giáo dục giới tính cho con đóng vai trò không thể thiếu.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022