Chiều 20/1, sự kiện thời trang "Vân Vân và Mây Mây" diễn ra tại Lotte Department Store. 15 trang phục theo phong cách dân gian đương đại được trình diễn, do 10 sinh viên của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU) lên ý tưởng và chế tạo.
Thầy Nguyễn Trí Dũng, Phó trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho biết đây là lần đầu tiên sinh viên của trường được phối hợp trưng bày, trình diễn tại trung tâm thương mại lớn. Đây là cơ hội để sinh viên đưa sản phẩm tiếp cận với cộng đồng, cũng như thể hiện được khả năng, sự sáng tạo của mình.
Theo bà Trần Tú Anh, Trưởng phòng Trưng bày và Thiết kế của trung tâm thương mại, đây cũng là lần đầu đơn vị này phối hợp với các sinh viên trong lĩnh vực thời trang. Mức tài trợ cho buổi trình diễn ước tính khoảng 400 triệu đồng.
"Tôi tình cờ bắt gặp các thiết kế của sinh viên, thấy cùng chủ đề trưng bày và triển lãm của trung tâm nên đã mời các em tham gia", bà Tú Anh chia sẻ.
Các thiết kế của sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được trình diễn, chiều 20/1. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Nguyễn Xuân Chúc, 21 tuổi, sinh viên lớp Thời trang, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, có một thiết kế trong buổi biểu diễn. Sản phẩm của Trúc là đồ án ở môn Thiết kế kỹ thuật trang phục, lấy cảm hứng từ nghề đan lát.
"Ngày bé, mình từng thấy bà ngoại đan lát, rồi hình ảnh này cũng xuất hiện trong những bộ phim tài liệu mình từng xem. Nhưng hiện nay, mình thấy nghề này đã mai một nhiều nên muốn nói về nét đẹp của nó", Chúc nói.
Nữ sinh cho biết phần khó nhất khi làm trang phục là gắn phụ kiện, được tạo từ nan tre, lên trên áo. Sau nhiều lần thử bằng keo nhưng không hiệu quả, Chúc quyết định khâu cố định phụ kiện này.
Điểm đặc biệt trong sự kiện là người mẫu sẽ trình diễn lần lượt từ tầng 3 xuống sảnh. Do đó, việc tính toán để người mẫu di chuyển an toàn giữa các tầng là thử thách với các sinh viên, bởi trang phục trình diễn có nhiều phụ kiện phức tạp.
Đào Ngọc Anh, bạn cùng lớp với Chúc, cho biết thiết kế của mình có phần đuôi váy rất dài cùng chiếc nón quay thao được chế tạo cách điệu. Để đảm bảo an toàn, Ngọc Anh buộc phải cắt gọn đuôi váy.
Cả hai sinh viên nói cảm thấy may mắn vì sản phẩm được chọn để tham dự sự kiện.
"Mình thấy rất tự hào khi thấy nhiều người trong và ngoài trung tâm dừng lại xem, chụp hình. Với một sinh viên năm thứ ba, đây là trải nghiệm rất đáng quý", Ngọc Anh nói.
Thầy Dũng đánh giá việc sinh viên thiết kế nói riêng và theo đuổi nghệ thuật nói chung tạo ra những sản phẩm mang phong cách dân gian là tín hiệu đáng mừng.
"Với sự phát triển của thế giới, nếu các trường và người học, người làm nghệ thuật không duy trì, quảng bá văn hóa truyền thống, thì trong tương lai gần chúng ta có thể không thấy những yếu tố này nữa", thầy Dũng nói.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm thiết kế trang phục truyền thống, bà Trịnh Bích Thủy, Giám đốc sáng tạo của thương hiệu Trịnh Fashion, đánh giá cao nỗ lực và tiềm năng của các sinh viên.
Bà cho rằng những sản phẩm được chọn có sự đặc biệt so với mặt bằng chung, khéo léo kết hợp được nét đẹp của trang phục truyền thống và phong cách hiện đại.
"Trình diễn tại trung tâm thương mại là cơ hội không phải lúc nào cũng có. Sự kiện này và các hoạt động tương tự sẽ giúp sinh viên có thêm trải nghiệm, cọ xát để các em học hỏi, phát triển nghề sau này", bà Thủy nhìn nhận.
Các thiết kế của sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được trưng bày tại đây tới cuối tháng 2.
Thanh Hằng