Quan điểm trên được ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nêu tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 20 của HĐND thành phố, chiều 9/12.

"Tôi, với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục thành phố kiên định tham mưu UBND TP HCM tiếp tục thi vào lớp 10 bằng tiếng Anh cho đến khi Bộ cho phép thành phố tự quyết định", ông Hiếu nói. "Mình định hướng như vậy để đảm bảo sự ổn định trong việc dạy và học".

Theo ông Hiếu, người dân đang rất quan tâm đến kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp phổ thông do theo chương trình mới. Đặc biệt, học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 "đang rất rối". Theo dự thảo quy chế thi lớp 10, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự tính kỳ thi gồm ba môn, trong đó Toán, Văn bắt buộc, môn còn lại là "lựa chọn".

"Chọn là bốc thăm hay hình thức gì Bộ vẫn chưa ban hành quyết định. Tuy nhiên, dù hình thức nào thì định hướng của Bộ là nếu năm nay đã chọn môn này thì năm sau phải bỏ để tránh học lệch", ông Hiếu cho hay.

Trong khi đó, nhiều năm nay, TP HCM tổ chức thi lớp 10 công lập với ba môn Toán, Văn, tiếng Anh. Giám đốc Sở nói trong các môn học, chỉ có Tiếng Anh hai lần nằm trong đề án của Chính phủ (năm 2008, 2018) với trọng tâm không chỉ là môn học mà còn là ngôn ngữ. Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng có kết luận từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.

"Nếu chúng ta không có quyết định, quyết sách đúng thì việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường không được đầu tư", ông Hiếu nói.

z6113004734819-a55d4ad23e46393-6234-7951-1733736443.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nrUEEfbP5XXTLCKyr1wa2A

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tại phiên thảo luận của HĐND, chiều 9/12. Ảnh: An Phương

Đồng tình với ông Hiếu, Bí thư quận 1 Dương Anh Đức dẫn lại các chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư là phải sớm phấn đấu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai thì TP HCM phải là địa phương đi đầu và làm sớm.

"Muốn vậy thì thành phố cần có đề án riêng để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai", ông Đức đề xuất. Theo ông, việc này cần có lộ trình như đơn vị, địa phương, trường nào có điều kiện thì đi trước. TP HCM triển khai thành công sẽ góp phần giúp đề án của cả nước thành công.

Theo ông Đức, từ cơ sở này, TP HCM sẽ chủ động xin Bộ Giáo dục và Đào tạo tự chủ trong việc tổ chức các kỳ thi đầu, cuối cấp. Tinh thần là phù hợp với sự phát triển của ngành giáo dục và điều kiện của thành phố.

233a9413-5986-1733736444-17337-9945-8194-1733737960.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Lt8KoNgQBS4e4sqkPhsEwA

Thí sinh dự thi lớp 10 tại THCS Trần Quốc Toản, TP Thủ Đức, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

2025 là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp THCS. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo quy chế tuyển sinh mới, lấy ý kiến từ đầu tháng 10.

Ban đầu, Bộ dự kiến môn thứ ba được bốc thăm ngẫu nhiên, được công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Lãnh đạo Bộ nhiều lần khẳng định việc này để tránh việc học sinh học lệch.

Trước phản ứng của dư luận, Bộ bỏ cách dùng từ này, song thay bằng yêu cầu "không cố định môn thi hàng năm".

Theo khảo sát của VnExpress hôm 4/10, khoảng 88% trong hơn 51.000 độc giả tham gia mong muốn kỳ thi cố định với ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Nhiều học sinh, phụ huynh cho rằng việc thay đổi môn thi thứ ba hàng năm là không công bằng, gia tăng áp lực, khiến các em phải học thêm nhiều.

Một số chuyên gia cũng nhận định tuyển sinh lớp 10 với ba môn này là hợp lý, nhất là trong bối cảnh tiếng Anh đang được định hướng trở thành ngoại ngữ thứ hai trong nhà trường. Khắc phục tình trạng học lệch cần phải bằng cách quản lý tốt, chứ không nên dùng môn thi.

Dự kiến quy chế tuyển sinh THCS và THPT được Bộ ban hành trước ngày 31/12.

Lê Tuyết

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022