Sau khi vật lộn với IELTS hơn một năm nhưng chỉ đạt 4.5, Phạm Nhung, sinh viên năm thứ hai một trường đại học ở Hà Nội, năm ngoái tìm đến dịch vụ bán đề trên mạng. Nhung muốn nhanh chóng có chứng chỉ 6.0 IELTS theo chuẩn đầu ra của trường.
Khi liên hệ, nữ sinh được nhân viên một fanpage cung cấp 3 gói đề để lựa chọn. Cụ thể, gói 1 dự đoán đề IELTS theo quý (hiện đã có đề thi đến tháng 12/2022) với giá 599 nghìn đồng; gói 2 "Kim cương" giá 5 triệu đồng, gồm 8 đề, có trước ngày thi 2-3 tháng, bao trúng tối thiểu một kỹ năng bất kỳ; gói cao cấp giá 36 triệu đồng với duy nhất một đề, bao trúng 100%.
Theo nữ sinh, người tư vấn cam kết đề thi là "tài liệu tuyệt mật" từ hai đơn vị được tổ chức thi IELTS ở Việt Nam là Hội đồng Anh (British Council) và tổ chức giáo dục IDP. Thấy nhiều phản hồi "trúng đề" trên trang, Nhung liền bỏ ra 5 triệu đồng mua gói "Kim cương". Nhưng đến ngày thi, nữ sinh bị trật tủ và không thể đạt chứng chỉ 6.0 như mong muốn. Khi đòi hoàn tiền, Nhung lập tức bị chặn tương tác.
Là thành viên nằm vùng trong các cộng đồng ôn luyện IELTS, anh Hoàng Nam cho biết thường xuyên phải đưa ra cảnh báo về hoạt động mua bán đề thi IELTS trên các mạng xã hội. Ngoài fanpage mà Nhung liên hệ, một trang khác rao bán đề thi với gói Vip lên đến 120 triệu đồng với cam kết thí sinh biết đề trước một ngày. Còn trên Tiktok, một tài khoản với 10,3 nghìn người theo dõi công khai quảng cáo "Bán đề IELTS BC - IDP" với giá 5-45 triệu đồng.
Một trang rao bán đề thi trên nền tảng Tiktok khẳng định đề thi thật do "nhân viên phát ra". Ảnh minh hoạ: IDP
Ông Steve Adams, Giám đốc các chương trình thi quốc tế khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Anh, cho biết trong thời gian gần đây Hội đồng Anh ghi nhận nhiều hành vi vi phạm đến uy tín của kỳ thi IELTS, được quảng cáo trực tuyến và trực tiếp đến các thí sinh.
Các đối tượng thường mạo danh là đối tác hoặc có mối quan hệ với các đơn vị đồng sở hữu kỳ thi IELTS, từ đó nhận "cung cấp đề thi trước ngày thi chính thức". Thậm chí một số đối tượng khẳng định có thể truy cập được danh sách và "thay đổi được điểm IELTS của thí sinh"; "cung cấp bảng điểm IELTS giả mạo mà không cần thí sinh tham gia thi"; "làm giả kết quả thi trên hệ thống xác nhận điểm thi IELTS trực tuyến".
Những quảng cáo này xuất hiện nhiều trên các nền tảng như Facebook, Instagram, Twitter, LinkedIn hoặc gửi qua email. Ngoài ra, đối tượng lừa đảo thường tiếp cận thí sinh tại các địa điểm thi hoặc các trung tâm luyện thi.
"Tất cả các hành vi và nội dung quảng cáo trên đều là lừa đảo", ông Steve Adams nói.
Trên website, Tổ chức giáo dục quốc tế IDP, đơn vị đồng tổ chức thi IELTS tại Việt Nam, cũng cho rằng một số nội dung quảng cáo dịch vụ cung cấp chứng chỉ IELTS, nội dung đề thi IELTS là "hành vi lừa đảo và có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng".
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết việc rao bán đề thi IELTS cam kết trúng 100% có dấu hiệu "dùng thủ đoạn gian dối", đánh vào nhu cầu của người thi để chiếm đoạt tài sản. Ông Bình lưu ý thí sinh nên trình báo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý, không nên tiếp tay cho hành vi "tiềm tàng nhiều rủi ro về tài chính và pháp lý" này.
Hội Đồng Anh lưu ý, các trường hợp gian lận nghiêm trọng có thể sẽ bị "hủy kết quả thi, cấm thi trong vòng hai năm, đồng thời sẽ bị từ chối xét duyệt trong khoảng thời gian quy định" bởi các tổ chức công nhận chứng chỉ IELTS trên toàn cầu.
Thạc sĩ Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh, tốt nghiệp Đại học London (Anh) và đã đạt điểm IELTS 9.0 vào tháng 8 năm 2022, nhấn mạnh ngoại ngữ là câu chuyện liên quan đến cả tư duy nên không có chuyện học thuộc, nhớ nhanh trong thời gian ngắn, nhất là với người không có nền tảng từ trước. Vì thế, nữ thạc sĩ cho rằng không nên lãng phí tiền vào việc mua đề thi IELTS giả mạo để học tủ.
Theo thạc sĩ Quỳnh, người học nên đầu tư cả bốn kỹ năng, từ trước thời điểm phải có chứng chỉ IELTS. Nếu không có điều kiện học ở nơi giảng dạy bài bản, người thi có thể tự mua sách, tìm tài liệu IELTS trên mạng để làm quen dần. "Sau đó, cách duy nhất hiệu quả là luyện tập, luyện tập và luyện tập", Ngọc Quỳnh nói.
Phạm Nhung sau khi mất tiền oan vì mua đề thi giả đã lên lộ trình học tiếng Anh nghiêm túc trong 6 tháng tới. Nhung nhờ một người bạn đạt 8.5 IELTS phụ đạo hai buổi một tuần. Nhung cũng thường xuyên tham gia vào các môi trường có nhiều người nước ngoài để tăng kỹ năng giao tiếp.
"Hy vọng việc học thật, thi thật sẽ giúp mình sở hữu chứng chỉ IELTS 6.0 vào năm sau", Nhung nói.
* Tên một số nhân vật đã thay đổi
Lệ Thu