Trịnh Hoàng Diệu Ngân, 21 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) vừa giành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ của trường Sư phạm Paris thuộc Đại học Paris Sciences et Lettres (PSL).

Đây là trường hạng 24 thế giới và đứng đầu ở Pháp, theo QS năm 2024. PLS còn được coi là nơi hội tụ của các nhà khoa học lớn với 14 giải Nobel và 11 giải thưởng Fields.

Với học bổng này, Ngân có hai năm học thạc sĩ ngành "Earth and planetary sciences, environment" (tạm dịch là Khoa học hành tinh và Môi trường). Hàng tháng, nữ sinh được hỗ trợ chi phí học tập, ăn ở khoảng 1.000 euro (27,5 triệu đồng).

"Đây là dấu mốc quan trọng trong định hướng nghiên cứu sâu về lĩnh vực Khoa học hành tinh của mình", Ngân chia sẻ.

dieu-ngan-1-1723016747-8590-1723020054.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ObCzPTMe7lVBeH2U752ydA

Trịnh Hoàng Diệu Ngân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngày học ở trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định, Ngân luôn hứng thú với các hiện tượng thời tiết và thích tìm hiểu cơ chế vật lý đằng sau nó, nên khám phá nhiều hơn.

Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) ở tỉnh này hàng năm tổ chức nhiều hội nghị khoa học, gồm những lớp học liên quan đến vũ trụ. Ngân đều tham gia và ngày càng say mê tìm hiểu.

Tại đây, được gặp gỡ, trò chuyện với các sinh viên ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh của USTH, Ngân thấy ngành này không xa vời, có nhiều cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài, kể cả NASA. Vì vậy, Ngân chọn ra Hà Nội để học đại học.

Chương trình ở USTH kéo dài 3 năm với 180 tín chỉ, hoàn toàn bằng tiếng Anh. Lịch học dày đặc khiến Ngân gặp khó khăn ban đầu. Nhờ thầy cô hỗ trợ tận tình, từ hướng dẫn trên lớp đến gửi tài liệu để tự học, Ngân dần bắt nhịp.

Nữ sinh cũng được kết nối với nhiều giảng viên nước ngoài giảng dạy tại trường, từ đó nắm bắt các cơ hội thực tập và du học. Cuối năm thứ hai, Ngân đã thực tập tại một trung tâm nghiên cứu khoa học lớn ở Đài Loan, xác định muốn tìm hiểu sâu về Khoa học hành tinh.

"Khi học ngành này, mình sẽ dựa vào những hiểu biết về Trái Đất để giải thích, mô phỏng những hiện tượng tương tự ở hành tinh khác", Ngân nhìn nhận.

Xác định du học từ đầu năm cuối, Ngân tìm kiếm các chương trình học bổng phù hợp. Tháng 10 năm ngoái, Ngân bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ với mục tiêu cao nhất là du học Pháp, nhờ đã học tiếng Pháp ở trường.

Về thành tích học tập, Ngân duy trì hạng xuất sắc ở trường, điểm trung bình hơn 17/20. Nữ sinh giành học bổng khuyến khích học tập hai năm liền, đoạt huy chương đồng môn Giải tích tại kỳ thi Olympic Toán học sinh viên năm 2023.

Ngân cũng xin được thư giới thiệu từ người hướng dẫn khi thực tập tại Đài Loan và thầy giáo giảng dạy trực tiếp ở trường. Phần khó nhất với nữ sinh là bài luận về kinh nghiệm nghiên cứu và lý do cho thấy bản thân phù hợp với học bổng.

"Mình phải viết đi viết lại cả chục bản nháp, nhờ người thân từng có kinh nghiệm ứng tuyển tiến sĩ tại Mỹ góp ý", Ngân kể.

Ngân sau đó trải qua buổi phỏng vấn, trước khi nhận thông báo trúng tuyển vào tháng 6. Thời điểm đó, Ngân đang trong kỳ thực tập tốt nghiệp kéo dài 4 tháng tại Viện nghiên cứu Vật lý thiên văn Marseille, Pháp, theo học bổng của trường.

Dieu-Ngan-2-6527-1723044199.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CEF3GfHc6HHcLz_3YmcmYQ

Diệu Ngân (đứng thứ hai từ phải sang) trong một chương trình tại ICISE, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS Nguyễn Lê Dũng, giảng viên khoa Vũ trụ và Ứng dụng, USTH, ấn tượng với kết quả Ngân đạt được. Trong các tiết học, thầy nhận thấy Ngân luôn tập trung và tương tác tích cực với giảng viên bằng cách đặt câu hỏi, thảo luận nhóm. Ở môn Phân tích và hiển thị dữ liệu, Ngân là sinh viên duy nhất được thầy Dũng cho điểm tuyệt đối.

"Ngân cũng luôn làm mọi thứ rất chỉn chu, thể hiện tư duy logic tốt", thầy Dũng nói. Như trong đợt bảo vệ thực tập tốt nghiệp tháng 7, cô gây bất ngờ cho giảng viên khi tổng hợp, viết và trình bày báo cáo như một bài báo khoa học hoàn chỉnh với kết quả "xuất sắc, vượt xa yêu cầu với sinh viên bình thường".

Trúng tuyển bậc thạc sĩ ở Pháp giúp Ngân tiếp tục theo đuổi đam mê với Khoa học hành tinh. Nữ sinh cho biết sẽ đi sâu vào lý thuyết về chất lưu (fluid). Theo Ngân, hướng này có ý nghĩa to lớn trong việc giải thích, phân tích tính chất và đưa ra dự đoán về những hiện tượng liên quan đến khí quyển và đại dương ở trên hoặc dưới bề mặt hành tinh.

"Từ đó, chúng ta định hình được mục tiêu, kế hoạch cũng như thiết kế những nhiệm vụ thám hiểm cho các tàu không gian đến các hành tinh, thậm chí xác định được khả năng tồn tại sự sống ngoài hành tinh", Ngân nói.

Ngân chuẩn bị quay trở lại Pháp để học thạc sĩ. Nữ sinh mong hoàn thành bậc tiến sĩ ở nước ngoài, rồi nghiên cứu và giảng dạy về Khoa học hành tinh.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022