Hiện nay, mỗi ngày, nhân viên tư vấn của nhiều trường đại học nhận được hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn của thí sinh.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tài, Chuyên viên tư vấn tuyển sinh Đại học Ngân hàng TP.HCM cho hay, những ngày qua anh và các đồng nghiệp trong phòng liên tục nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn của thí sinh, phụ huynh. Các thông tin chủ yếu hỏi về điểm sàn, điểm chuẩn, đăng ký nguyện vọng ra sao, học phí thế nào, nhập học ra sao…

“Qua các câu hỏi, chúng tôi nhận thấy nhiều thí sinh vẫn còn mơ hồ về tuyển sinh năm nay bởi có em nhầm điểm sàn với điểm chuẩn là một. Có em ngỡ trúng tuyển sớm rồi thì không cần phải đăng ký lại trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Có em băn khoăn không biết chọn ngành nào, trường nào vì trúng tuyển cùng lúc nhiều nơi, rồi sắp xếp nguyện vọng ra sao để trúng tuyển…”, ông Tài cho hay.

photo-1-1659776129077745552322.jpg

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại TP.HCM.

Ngoài các thí sinh chủ động gọi đến trường, ông Tài cho biết, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng chủ động gọi điện, nhắn tin thông báo cho các thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm để hướng dẫn các em đăng ký xét tuyển trên hệ thống.

Tuy nhiên, qua nắm bắt thì có khoảng 30% thí sinh chưa đăng ký xét tuyển trên hệ thống do đang phân vân chưa biết chọn ngành nào, trường nào vì cùng lúc trúng tuyển nhiều nơi.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng- Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Đại học Tài chính Marketing TP.HCM cho hay, trường nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn của thí sinh, phụ huynh hỏi về tuyển sinh năm nay.

Theo bà Phụng, Quy chế của Bộ GD&ĐT quy định, đến ngày 20/8 mới kết thúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2022. Trong khoảng thời gian này, thí sinh được quyền đăng ký nguyện vọng không giới hạn số nguyện vọng, thậm chí được thay đổi nhiều lần. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng hiểu đúng về quy chế tuyển sinh năm nay. Điều này rất dễ dẫn đến trượt đại học oan dù đủ điều kiện trúng tuyển đại học.

Cũng theo bà Phụng, thời điểm tất cả trường đại học trên cả nước đều đã công bố điểm sàn. Tuy nhiên đây chỉ ngưỡng điểm để xác nhận thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào trường. Điểm sàn bao giờ cũng thấp hơn điểm trúng tuyển.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tài cho rằng, một trong những lợi thế xét tuyển đại học năm nay là thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký. Thậm chí được thay đổi nguyện vọng nhiều lần. Tuy nhiên để tránh trượt oan, các thí sinh cần phải có chiến lược bởi thực tế, chỉ tiêu các trường dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm so với mọi năm.

“Trúng tuyển bằng phương thức nào không quan trọng, quan trọng là đúng vào ngành và trường mình yêu thích, phù hợp với năng lực”- ông Tài nói và khuyên, nếu thí sinh đã trúng tuyển sớm vào ngành yêu thích thì nên đặt ngành và phương thức đó ở nguyện vọng 1, còn nếu chọn ngành khác và xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì cần phân tích kỹ về điểm trúng tuyển của các năm gần đây cũng như các dự báo cho năm nay rồi sau đó đặt nguyện vọng kế tiếp là ngành và phương thức đã trúng tuyển sớm để tránh trượt oan.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022