Trí nhớ tốt hay kém không chỉ liên quan đến độ tuổi, mà còn liên quan đến phương pháp ghi nhớ và quan trọng hơn là sự phát triển trí não. Điều đặc biệt là sự phát triển của não bộ lại liên quan mật thiết đến thói quen sinh hoạt.
Nhiều bậc cha mẹ có thể không nghĩ rằng một số thói quen xấu trong cuộc sống có thể dần dần lấy đi trí nhớ và chỉ số thông minh của con mình.
Ảnh minh họa
1. Không tập thể thao
Môt trường trung học cơ sở ở Chicago, Mỹ yêu cầu học sinh đến trường trước 7h sáng để chạy bộ, sau đó mới vào lớp. Lúc đầu, rất nhiều phụ huynh phản đối vì không muốn trẻ đi học quá sớm. Tuy nhiên sau một thời gian kết quả ngược lại, học sinh tỉnh táo hơn, không khí trong lớp cũng tốt hơn, trí nhớ và khả năng tập trung của học sinh được nâng cao. Kết thúc một học kỳ, khả năng đọc hiểu của nhóm học sinh thường chạy bộ mỗi sáng cao hơn 10% so với học sinh không tham gia chạy bộ.
Một nghiên cứu của nhóm khoa học thuộc Trường đại học bang Illinois - Mỹ đã kết luận: Tập luyện thể chất có thể kích thích não bộ hoạt động tích cực, đặc biệt là các vùng não liên quan đến hoạt động tư duy và ghi nhớ.
Cụ thể khi kiểm tra quá trình phát triển kích thước và các tế bào thần kinh não bộ thuộc vùng não trung tâm hippocampi, các nhà khoa học phát hiện thấy: Ở những trẻ thường xuyên tập luyện thể chất, kích thước vùng não hippocampi lớn hơn so với các trẻ cùng độ tuổi. Một trong các vùng quan trọng nhất của não bộ ở những trẻ hay vận động cũng lớn hơn tới 12% so với những đứa trẻ khác. Bên cạnh đó, nhóm các nhà khoa học cũng làm thêm một thí nghiệm về khả năng ghi nhớ và làm toán của trẻ.
Giáo sư Art Kramer - người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho hay: Trẻ vận động tích cực, có kết quả kiểm tra trí nhớ đạt chỉ số cao hơn hẳn nhóm trẻ lười vận động. Ở nhóm trẻ lười vận động, tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường và chứng béo phì cao hơn rất nhiều so với bình thường.
2. Không ngủ đủ giấc
Một giấc ngủ chất lượng không chỉ giúp trẻ khỏe mạnh hơn mà còn giúp cho bộ não tổng hợp và ghi nhớ những hiện tượng trong ngày tốt hơn. Vì vậy các bậc phụ huynh cần rèn cho trẻ thói quen ngủ đủ giấc và đi ngủ đúng giờ mỗi ngày.
Trẻ thiếu ngủ lâu ngày dễ bị chóng mặt, suy nghĩ chậm chạp, thiếu tập trung, từ đó ảnh hưởng đến khả năng học hỏi của não bộ. Bố mẹ nên giúp trẻ hình thành thói quen ngủ sớm dậy sớm thì càng tốt.
3. Trẻ bị áp lực quá mức
Ở bất kỳ độ tuổi nào, con người cũng có thể gặp phải những khó khăn khiến cơ thể cảm thấy stress, mệt mỏi. Đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, nhiều trẻ phải chịu áp lực lớn từ việc học hành, dẫn đến hệ thần kinh bị ức chế, trẻ không thể tập trung nghe giảng, tiếp thu chậm, tốc độ suy nghĩ bị ảnh hưởng.
Nhiều cha mẹ đã áp đặt việc học tập lên các con, ép trẻ học quá nhiều với khối lượng bài tập lớn, não bộ của trẻ bị quá tải, tâm lý căng thẳng, nặng nề khiến trí nhớ giảm sút, khả năng ghi nhớ kém, trẻ học kém hơn, kết quả học tập không như ý muốn. Vì vậy, người lớn cần hướng dẫn các em sắp xếp công việc học tập hợp lý, tránh cùng lúc học quá nhiều.
Phụ huynh nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, hoạt động cùng hội nhóm để con gia tăng tương tác xã hội, vận động cơ thể thay vì dùng internet quá nhiều. Ngoài ra việc đọc sách báo, chơi trò chơi trí tuệ không những giúp rèn luyện trí nhớ rất tốt mà còn giúp trẻ có thêm nhiều kỹ năng cần thiết.